Multimedia Đọc Báo in

Công nghệ và những con số

21:14, 24/05/2011
Hơn 5 năm qua, Viện khoa học và Công nghệ Việt Nam đã phối hợp với các bộ, ngành và địa phương  thực hiện Dự án "Chiếu sáng công cộng hiệu suất cao tại Việt Nam" (VEEPL), đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ.
 
Ðược sự hỗ trợ của UNDP, Quỹ Môi trường toàn cầu và sự nỗ lực của các bộ, ngành và địa phương, từ tháng 12-2005 đến tháng 6-2011, Dự án VEEPL đã nhân rộng ra 63 tỉnh, thành phố trong cả nước. Bây giờ đi trên nhiều đường phố vào buổi tối ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Quy Nhơn... bất luận mùa nào, người đi đường đều được tắm mình trong ánh sáng của các loại đèn LED, cao áp Sodium, Natri, Com-pắc... công suất nhỏ nhưng vẫn bảo đảm ánh sáng và mỹ quan đô thị.
Du học sinh Việt Nam  tại Liên bang Nga
Du học sinh Việt Nam tại Liên bang Nga. (Ảnh: Hanoimoi)
50 suất học bổng toàn phần tại Liên bang Nga năm 2011: Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa thông báo chương trình học tiếng Nga tại Liên bang Nga năm 2011. Theo đó, 50 ứng viên đủ điều kiện sẽ được miễn phí toàn bộ học phí của khóa đào tạo, diễn ra trong 3 tháng gồm 2 đợt: đợt 1 từ tháng 9 đến 11-2011 và đợt 2 từ tháng 4 đến 6-2012. Học bổng do Chính phủ Liên bang Nga tài trợ bao gồm: miễn học phí, cấp học bổng hàng tháng như đối với học viên Nga (1.500 rúp/tháng) và bố trí ở ký túc xá (tiền ở ký túc xá áp dụng theo mức của học viên Nga). Ứng viên còn được hưởng chế độ học bổng do Chính phủ Việt Nam cấp (bao gồm: cấp bù sinh hoạt phí (420 USD/tháng), chi phí đi đường (100 USD/người), bảo hiểm y tế, lệ phí làm hộ chiếu, visa, vé máy bay một lượt đi và về).
 
18 triệu USD
là tổng kinh phí đầu tư Trung tâm dữ liệu Viettel IDC Sóng Thần, tỉnh Bình Dương, mà Công ty Viettel IDC (thuộc Tập đoàn Viễn thông Quân đội - Viettel) vừa mới tổ chức khai trương. Cách trung tâm TP. HCM khoảng 25km, Trung tâm Viettel IDC Sóng Thần được xây dựng trên khuôn viên 3.500 m2, trong đó, tổng diện tích phòng máy lên tới 10.000m2, có khả năng lưu trữ 40.000 máy chủ (tương đương 1.600 tủ rack) theo tiêu chuẩn Tier 3 – tiêu chuẩn cao nhất hiện nay tại Việt Nam để đánh giá một trung tâm dữ liệu. Đây được xem là trung tâm dữ liệu có quy mô lớn và trang bị hiện đại bậc nhất khu vực Đông Nam Á. Hiện nay, Viettel IDC là nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu chuyên nghiệp lớn nhất Việt Nam xét về mức đầu tư, diện tích sàn, khả năng đặt chỗ máy chủ và chuẩn an toàn. Hiện đã có hơn 500 khách hàng là các tổ chức, doanh nghiệp lớn đang sử dụng dịch vụ của Viettel IDC.
 
3 nhà du hành vũ trụ từ Trạm Vũ trụ Quốc tế ISS đã trở về Trái đất an toàn
sau khi bộ phận đổ bộ của tàu Liên hợp (Soyuz) ТМА-20 đã hạ cánh xuống vùng thảo nguyên của Kazakhstan. Đây là đội du hành quốc tế thứ 26/27, gồm nhà du hành Nga Dmitry Kondrachiev, nhà du hành Italy thuộc Cơ quan vũ trụ châu Âu Paolo Nespoli và nữ du hành Mỹ Catherine Kolman. Họ đã làm việc trên ISS 160 ngày đêm, đón tiếp hai tàu con thoi Discovery và Indevour, hai tàu chở hàng Nhật Bản và châu Âu HTV-2 và ATV-2 cùng hai tàu chở hàng Tiến bộ (Progress) của Nga. Đội bay quốc tế thứ 26/27 đã thực hiện một chương trình lớn về thí nghiệm và nghiên cứu khoa học, trong đó có hai công trình phục hồi cơ cấu ADN trong vũ trụ và nghiên cứu tác động của phóng xạ đối với con người. Hiện đội bay quốc tế thứ 28 đang làm việc trên ISS với hai nhà du hành Nga và một nhà du hành Mỹ.
 
GSAT-8 là tên của một vệ tinh Ấn Độ được phóng lên quĩ đạo trong tuần qua. Vệ tinh GSAT-8 nặng 3.100kg được đưa lên quỹ đạo ở độ cao 249km, sau 31 phút hành trình kể từ khi tên lửa đẩy Ariane 5 của Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu được phóng từ sân bay vũ trụ Kourou trên đảo Guyana thuộc Pháp. Vệ tinh trên có vai trò quan trọng trong việc cải thiện chất lượng dịch vụ thông tin liên lạc và phát sóng truyền hình ở Ấn Độ, do được trang bị 24 bộ tiếp sóng Ku-band. Theo kế hoạch, vệ tinh GSAT-8 sẽ hoạt động trên quỹ đạo khoảng 12 năm.
 
2
“gã” khổng lồ về mạng vi tính là Facebook và Microsoft vừa hợp tác chống các chia sẻ hình ảnh về khiêu dâm trẻ em trên mạng xã hội hàng đầu thế giới. Theo đó Facebook sẽ sử dụng công nghệ PhotoDNA để tìm kiếm các hình ảnh tương ứng với hình ảnh trong dữ liệu của Trung tâm quốc gia về Trẻ em thất lạc và bị lạm dụng (NCMEC). PhotoDNA được phát triển bởi Microsoft và GS Khoa học máy tính Hany Farid (ĐH Dartmouth, Mỹ). Dự kiến, PhotoDNA sẽ quét hàng trăm triệu bức ảnh được tải lên mỗi ngày cho Facebook, chặn các hình ảnh được xem là khiêu dâm trẻ em và có thể giúp cảnh sát tìm đến nguồn phát tán.
 
26 terabit/giây
là tốc độ chuyển dữ liệu mà các nhà nghiên cứu Đức vừa thiết lập thành công, bằng cách sử dụng tia hồng ngoại đơn. Với tốc độ này, toàn bộ lượng thông tin của thư viện Quốc hội Mỹ có thể được gửi đi chỉ trong 10 giây và được xem là một kỷ lục mới về truyền tải dữ liệu. Kỷ lục được lập nhờ vào việc các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp "biến đổi Fourier nhanh" để tách hơn 300 màu riêng biệt  trong chùm hồng ngoại. Mỗi màu mã hoá một chuỗi thông tin riêng. Phương pháp này có thể tích hợp được trên chip silicon và hứa hẹn sẽ mở ra một thị trường tiềm năng.
G.T ( Tổng hợp)
 

Ý kiến bạn đọc