Multimedia Đọc Báo in

Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ III (năm 2010-2011): Cần những “sức bật” mới

08:39, 11/01/2012

Hội thi sáng tạo khoa học kỹ thuật lần thứ III khép lại, nhiều giải thưởng đã được trao để tôn vinh các giải pháp sáng tạo, mang lại giá trị thực tiễn cao của các tổ chức, cá nhân trong toàn tỉnh. Tuy nhiên, theo đánh giá của Ban Tổ chức các giải pháp này chủ yếu là sáng kiến cải tiến nhằm hợp lý hóa sản xuất tại đơn vị, chưa có tính mới, tính sáng tạo và khả năng nhân rộng trong đời sống xã hội.

Nhằm khuyến khích phong trào lao động, sáng tạo trong sản xuất trên tất cả các lĩnh vực, Hội thi sáng tạo kỹ thuật từ nhiều năm nay đã trở thành sân chơi, diễn đàn chung thu hút những người say mê sáng tạo kỹ thuật giao lưu học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; thu thập các giải pháp có ý nghĩa khoa học, có hiệu quả để đổi mới công nghệ ở các lĩnh vực, đóng góp nhất định vào phát triển đời sống kinh tế - xã hội. Đó là những công nhân, nông dân, kỹ sư, bác sĩ, giáo viên… với độ tuổi khác nhau, nhưng họ không tiếc công sức, trí tuệ âm thầm đóng góp cho phong trào sáng tạo, cải tiến kỹ thuật trong sản xuất. Các giải pháp đạt giải đã góp phần tạo ra những giá trị nhất định như: giải phóng dần sức lao động, nâng cao năng suất cho người lao động; giúp cho đơn vị thi công hoàn thành công việc đúng tiến độ đề ra trong điều kiện khó khăn; góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm địa phương; nâng cao chất lượng giảng dạy; hỗ trợ cho việc nghiên cứu phát triển vô tuyến điện...

Với sáng kiến “Máy cắt sắt tự động”, tác giả  Nguyễn Thế An (Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên) đã đạt giải Nhì của Hội thi (không có giải Nhất). Tác giả cho biết, giải pháp tự động hóa bằng thiết bị cơ khí, điện tự động hóa; công nhân lao động chỉ cần làm thao tác ban đầu là đặt cuộn sắt (thép) lên bàn bằng hệ thống nâng (ròng rọc và động cơ điện) đưa đầu cây sắt vào máy; sau đó, đặt hệ thống công tắc hành trình và khởi động máy. Hệ thống sẽ tự động vận hành và cắt đúng kích thước đã đặt trước mà không cần người điều khiển. Có thể nói, giải pháp này có tính hiệu quả cao, bảo đảm an toàn và giải quyết sức lao động nặng nhọc cho con người, không gây ô nhiễm môi trường, mang lại lợi ích kinh tế cao. Hay như sáng kiến “Mô hình dạy lái đa năng” của nhóm tác giả Trung tâm đào tạo Nghề Dak Lak (giải ba) có ưu điểm là giúp người học dễ dàng quan sát được cấu tạo các chi tiết của hệ thống xe ô tô trên mô hình và thực tập trực tiếp trên mô hình một cách thuận tiện, nâng cao được kỹ năng nghề và khả năng khái quát hệ thống, thiết bị trên xe ô tô đời mới. Mặc khác, việc sử dụng mô hình này còn giúp giảm chi phí đầu tư; có thể tận dụng được một số trang thiết bị, vật tư hiện có và tiết kiệm nhiên liệu, chi phí bảo dưỡng do mô hình sử dụng thiết bị thay thế nổ động cơ bằng hệ thống âm thanh nên không gây ô nhiễm môi trường mà học viên vẫn cảm nhận được như ngồi trên ô tô thực sự… Ông Y Ghi Niê, Phó Trưởng Ban tổ chức Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật tỉnh đánh giá: “Mặc dù đã có nhiều hình thức tuyên truyền, vận động, quảng bá cho cuộc thi, nhưng nhìn chung số lượng sáng kiến tham gia vẫn còn ít, một số tác phẩm dự thi không đáp ứng Quy chế tổ chức, không có tính sáng tạo so với quá trình phát triển công nghệ… Nhìn lại 3 lần tổ chức hội thi từ năm 2007 đến nay thì chưa có giải những giải pháp sáng tạo xuất sắc mang tầm cỡ quốc gia; giải pháp tham dự hội thi sáng tạo toàn quốc và giải pháp dự thưởng VIFOTECH  đạt giải (chỉ có giải pháp “Máy đùn gạch” của tác giả Hoàng Thịnh đạt giải khuyến khích cuộc thi năm 2007). Hy vọng trong những hội thi tới sẽ đón nhận nhiều giải pháp dự thi có hiệu quả thiết thực, có tính mới và sáng tạo không những trong tỉnh mà còn đạt giải cao trong các kỳ thi toàn quốc”.

Các tác giả đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ III.
Các tác giả đoạt giải Nhì Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ III.

Trong các giải pháp đăng ký tham dự Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ III, phần lớn các sáng kiến tập trung định hướng vào lĩnh vực cơ khí tự động hóa, năng lượng, môi trường, công nghệ thông tin, điện tử viễn thông và một số giải pháp trong lĩnh vực nông nghiệp, giáo dục. Theo đánh giá chung của Ban tổ chức, mặc dù các giải pháp tham dự n ăm nay có nhiều sáng kiến mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, góp phần làm lợi cho đơn vị, cơ quan nhưng tính sáng tạo chưa cao, chưa thể nhân rộng trong đời sống xã hội. Cũng theo ông Y Ghi Niê thì hiện còn nhiều người có sáng kiến kỹ thuật đạt hiệu quả nhưng không đăng ký tham gia hội thi, điều này rất đáng tiếc cho tác giả và cả tỉnh nhà. Do đó, cần phải tiếp tục tuyên truyền về mục đích và duy trì, tổ chức tốt hội thi, cuộc thi; các cấp ủy, chính quyền, cơ quan đơn vị, trường học trên địa bàn tỉnh cần có chính sách khuyến khích cán bộ, công nhân viên, học sinh tích cực tham gia sáng tạo.

Thúy Hồng

Hội thi sáng tạo kỹ thuật lần thứ III có 27 giải pháp đăng ký tham gia. Ban Tổ chức đã trao 3 giải Nhì, 7 giải Ba và 7 giải Khuyến khích (không có giải Nhất). Các sáng kiến đạt giải Nhì gồm: Nguyễn Thế An (Công ty Cổ phần Công trình Việt Nguyên) với giải pháp Máy cắt sắt (thép) tự động; Nguyễn Phụng (Chủ cơ sở sản xuất Cơ khí Hưng Phát) với giải pháp Máy bóc vỏ cà phê khô; Trần Văn Long (Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn - miền Trung, Chi nhánh Dak Lak) với giải pháp Cải tiến và hợp lý hóa vận hành hệ thống gia nhiệt bổ sung bồn nước cấp lò hơi.

 

 


Ý kiến bạn đọc