Multimedia Đọc Báo in

Sự sống trong vũ trụ

10:26, 05/05/2012

Lịch sử cuộc hành trình tìm hiểu, khám phá vũ trụ của con người đã có bề dày thời gian ngót ba nghìn năm và con người luôn tự hỏi: Chẳng lẽ trong không gian vô cùng, vô tận của vũ trụ, chỉ ở Trái đất mới có sự sống, có con người? Nỗi băn khoăn, hoài nghi đó chắc còn lâu lắm mới có lời đáp và phía trước cuộc hành trình sẽ có không biết bao nhiêu khó khăn, thử thách.

Thiên hà Tiên nữ.
Thiên hà Tiên nữ.

Nhân ngày xuân thư thả, chúng tôi muốn cùng bạn đọc tìm hiểu một cách sơ lược vấn đề cuốn hút, hết sức thú vị nhưng đầy hóc búa này.

Vũ trụ vô cùng, vô tận, vượt xa trí tưởng tượng của con người. Lượng tri thức khám phá vũ trụ suốt ba nghìn năm qua thật khổng lồ, nhưng nếu so với cái chưa biết thì lượng tri thức đó còn quá nhỏ nhoi, giống như một giọt nước trong biển cả.

Vũ trụ gồm tỉ tỉ thiên hà, và mỗi thiên hà lại bao gồm hàng chục tỉ sao. Mặt trời chỉ là một ngôi sao trung bình trong vũ trụ, nằm ở rìa một thiên hà, và bởi vì chúng ta ở bên trong thiên hà này nên chỉ thấy nó dưới dạng một vệt màu bạc trên bầu trời và nó được mang cái tên hết sức thi vị là Ngân Hà, là sông Ngân.

Tiềm lực khoa học ngày nay chỉ cho phép khảo sát trong phạm vi hệ Mặt trời và đã đạt được nhiều thành tựu quý giá. Việc khảo sát nghiên cứu không gian ngoài hệ Mặt trời chỉ mới dừng lại những kết quả mang tính tổng thể ban đầu trong giới hạn thiên hà của chúng ta. Kết luận được đưa ra là, trong hệ Mặt trời thì chỉ ở Trái đất là có sự sống, có con người. Đến như ở sao Hỏa, một hành tinh có rất nhiều yếu tố tự nhiên tương tự như Trái đất, các nhà khoa học vẫn chưa phát hiện được dấu tích của sự sống, dầu sự sống đó được tồn tại dưới dạng hóa thạch. Tuy vậy, việc tìm kiếm sự sống ngoài Trái đất vẫn luôn cuốn hút tâm trí, tài năng của các nhà khoa học.

Tìm kiếm ở đâu? Và tìm kiếm bằng cách nào? Đó là hai câu hỏi làm đau đầu các nhà khoa học khi đối diện với một không gian vũ trụ quá ư rộng lớn. Vũ trụ gồm phần lớn là không gian chân không và các vật thể không ngừng vận động. Phần con người quan sát được, phỏng tính chỉ chiếm 1/10 không gian vũ trụ. Phần chứa đựng vật chất mà các máy móc thiên văn tinh xảo nhất  do con người chế tạo cũng không sao nhìn thấy được bởi chúng không phát sáng, được gọi là chất tối hay chất đen, chiếm khoảng 9/10 vũ trụ, đầy bí ẩn.

Không hề choáng ngợp trước hố thẳm không gian, các nhà khoa học nhận định rằng: Các phân tử OH (Hyđrôxin) và H (Hyđrô) là những vật chất thông thường, phổ biến nhất trong vũ trụ. Một bản tin phát trên tần số của bức xạ các phân tử đó sẽ là một thứ ngôn ngữ vũ trụ. Và con người đã gửi vào không gian những thông điệp. Trình độ khoa học hiện nay mới chỉ cho phép khả năng liên hệ với các thế giới văn minh ngoài trái đất bằng bức xạ vô tuyến.

Kết quả của biện pháp này là từ những thập niên 60 (thế kỷ XX), các nhà thiên văn học đã phát hiện ra được những phân tử hữu cơ trong dải Ngân Hà và các thiên hà. Họ dùng máy quang phổ  để phân tích ra từng vạch phổ và ta đã biết, mỗi phân tử chỉ phát ra một vạch phổ cố định.

 Vật chất cấu tạo nên vũ trụ và vũ trụ nguyên thủy có năm nguyên tử cơ bản, gồm hyđrô (H), các bon (C), ôxy (O), canxi (Ca), và sắt (Fe). Các nguyên tố cấu tạo nên vũ trụ cũng là chất liệu cấu tạo nên cơ thể con người. Vật chất nguyên thủy trong toàn vũ trụ là những phân tử hữu cơ đơn giản. Cho tới nay, có hơn một trăm phân tử hữu cơ được phát hiện trong dải Ngân Hà. Phần lớn đó là những phân tử hữu cơ rất quen thuộc đối với các nhà khoa học trong phòng thí nghiệm. Phân tử hữu cơ trong dải Ngân Hà cũng chỉ là những đầu mẫu của axitamin, như loại đường glucô trong máu. Thành phần của axitamin là những nguyên tử hyđrô, ôxy, cácbon và nitơ. Những axitamin đơn giản là những “viên gạch” dùng để xây dựng thành những phân tử khổng lồ như prôtêin (chất đạm) trong cơ thể. Prôtêin là vật chất cơ bản của sự sống, gồm những chuỗi phân tử dài với hàng trăm axitamin. Cho tới nay, chưa tìm thấy một axitamin nào trong dải Ngân Hà, dù nó ở dạng đơn giản nhất như phân tử glyxin. Những gì ở không gian ngoài Ngân Hà, con người chưa có khả năng khảo sát được.

Như vậy, sau ngót ba nghìn năm nghiên cứu, tìm hiểu, khoa thiên văn học kết luận: Trong phạm vi không gian bao la của hệ Mặt trời, của dải Ngân Hà thì chỉ có mỗi mình Trái đất là có sự sống, có con người.

Trong quá khứ, trên thế giới đã nhiều lần rộ lên các câu chuyện về đĩa bay, về “người ngoài hành tinh”. Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) đã tổ chức nhóm nghiên cứu hiện tượng Vật lạ bay không xác định (UFO) do nhà vật lý Cônđôn lãnh đạo. Nhóm đã nghiên cứu 13.000 trường hợp liên quan đến hiện tượng này. Và khi lý giải đến 98% trong số 13.000 trường hợp thì nhóm đã đệ trình lên xin Chính phủ Mỹ bãi bỏ việc nghiên cứu này bởi các hiện tượng đó đều do ngộ nhận các hiện tượng tự nhiên hoặc do con người cố ý dàn dựng, bịa đặt nên. Các câu chuyện về đĩa bay, về “người ngoài hành tinh” đã mau chóng trở thành đề tài cuốn hút các nhà làm phim viễn tưởng.

Bên cạnh việc nghiên cứu vũ trụ bằng bức xạ vô tuyến, ngành thiên văn học còn dùng kính thiên văn để quan sát vũ trụ, dùng các con tàu chở con người trực tiếp nghiên cứu. Các thế hệ kính thiên văn luôn được cải tiến, kích thước đường kính của thấu kính không ngừng được mở rộng, tầm nhìn sâu vào vũ trụ càng vươn xa, nhất là khi kính thiên văn được đưa lên các con tàu vũ trụ. Còn việc đưa con người lên không gian để trực tiếp quan sát vũ trụ thì đấy là khát vọng cháy bỏng từ xưa tới nay. Nhưng ở đây, con người phải đối mặt những khó khăn tưởng như không thể vượt qua được. Chuyến bay liên hành tinh phải vượt qua khoảng không gian cực lớn là thử thách đầu tiên. Từ Trái đất, muốn đến ngôi sao gần nhất là sao Anpha phải đi suốt bốn năm với tốc độ ánh sáng; còn nếu muốn đến thiên hà gần nhất là thiên hà Anđrômác, phải mất hai triệu năm với tốc độ 300.000km/giây. Trong khi đó, con tàu chở người lên mặt trăng Apolo 10 của Mỹ chỉ có thể bay đến tốc độ gần 40.000 km/giờ. Vậy thì làm sao có thể thực hiện chuyến bay liên hành tinh? Thực tế cho đến nay, con người vẫn chưa phóng được một con tàu ra khỏi hệ Mặt trời. Muốn thực hiện một chuyến bay, con người còn phải bắt buộc giải quyết các công việc mà hiện nay con người chưa có khả năng: Vấn đề năng lượng cho chuyến bay, vấn đề kỹ thuật đóng con tàu có thể hoạt động an toàn đến ngàn năm, vấn đề khả năng thích ứng của cơ thể các nhà du hành trong chuyến bay dài ngày với điều kiện môi trường không gian không trọng lực....

Khó là thế, nhưng con người đâu chịu bó tay. Chưa nhìn thấy được, chưa bay lên để gặp được “sự sống” trong vũ trụ, thì con người tìm cách bắt liên lạc với  “họ”. Năm 1974, người ta đã dùng viễn kính 300 mét đường kính của đài thiên văn Arêxibô (Mỹ) để phát ra một thông điệp hướng về quần sao Vũ Tiên (Hercules) hình cầu, cách xa Trái đất 25.000 năm ánh sáng.

Thông điệp được ghi bằng mật mã, chuyển tải nội dung gồm bốn điểm:

1) Những đặc điểm của hệ Mặt trời.

2) Cấu trúc AND.

3) Một phân tử gien di truyền.

4) Một hình người.

Quần sao Vũ Tiên là một tổ hợp sao già có hơn một trăm nghìn sao, có khả năng chứa một nền văn minh trên một hành tinh nào đó có kỹ thuật cao để trả lời thông điệp.

Mặc dù nội dung thông điệp được sóng vô tuyến chuyển đi với tốc độ đạt bằng tốc độ ánh sáng 300.000 km/giây, nhưng nhân loại chắc phải kiên nhẫn chờ đợi ít nhất 50.000 năm nữa may ra mới nhận được hồi âm.

Và câu hỏi nghìn năm: “Chẳng lẽ trong vũ trụ bao la này, chỉ có ở Trái đất có sự sống, có con người?” vẫn còn nguyên đó.

Nguyễn Trúc


Ý kiến bạn đọc