Multimedia Đọc Báo in

Kỳ tích khảo cổ được phát hiện nhờ... biến đổi khí hậu

07:53, 13/06/2015
Có những phát hiện khảo cổ do biến đổi khí hậu, khi sông băng tan ra. Những phát hiện này không chỉ có giá trị lớn về mặt khoa học mà còn là mặt tích cực ít biết của biến đổi khí hậu.

Người tuyết Otzi, 5.000 năm tuổi, sống vào khoảng năm 3.500-3.100 trước Công nguyên bị chôn vùi hàng nghìn mét dưới băng tuyết trên dãy núi Alpine được tìm thấy năm 1991 là một trong số những cổ vật nổi tiếng và được lịch sử nhắc đến nhiều nhất.

Tuy nhiên, một trong những phát hiện gần nhất nhưng ít nổi tiếng hơn Otzi là Người đàn ông trên đèo Theodul (Theodul Pass Man), niên đại từ thế kỷ thứ 16. Chuyện bắt đầu vào năm 1985, khi một nữ giáo viên đam mê môn trượt tuyết tên là Annemarie Julen-Lehner đến đèo Theodul Pass thuộc vùng sông băng Theodul Glacier của Thụy Sĩ – địa danh hiểm trở cao tới 3.350 m so với mặt nước biển chỉ dành riêng cho những người ưa du lịch mạo hiểm từ ngả Thụy Sĩ vào Italia. Tại đây, nhóm trượt tuyết của bà Annemarie Julen-Lehner đã tìm thấy Theodul Pass Man. Ngay sau khi phát hiện thấy bộ xương, bà Julen-Lehner đã đưa anh trai mình là một nhà sinh học đến tận nơi để xem xét. Ngay lập tức, nhà sinh học phát hiện thấy tầm quan trọng của cổ vật, gồm xương người và một con la. Bốn năm sau, anh em bà Julen-Lehner cùng các nhà khảo cổ khai quật, phục hồi thi thể Theodul Pass Man, tìm thấy phần còn lại của cơ thể với cả quần áo và giày; đặc biệt là phục hồi thành công hộp sọ, kèm theo một chút não. Người đàn ông này đã thực hiện một cuộc thám hiểm, mang theo một khẩu súng lục bắn bằng đá lửa, một con dao găm còn trong vỏ bọc và một thanh kiếm đánh dấu thợ rèn Đức. Ngoài ra, Theodul Pass Man còn mang theo một chiếc bùa hộ mệnh bằng bạc khắc cây thánh giá và một chiếc chén khắc chữ “H.A”; đặc biệt là phát hiện thấy 90 đồng tiền bằng đồng và bạc có ghi niên đại đúc vào cuối những năm 1.500.

Dựa trên những đồng tiền được tìm thấy thì Theodul Pass Man chết sau năm 1588. Các đồng tiền mô tả hình ảnh của Philip II của Habsburg, người cai trị Tây Ban Nha và miền Bắc Italia. Vì vậy, rất có thể Theodul Pass Man là người gốc Italia hay Tây Ban Nha đang thực hiện chuyến du lịch về phía bắc dọc theo đèo Theodul và gặp nạn. Theodul Pass Man rất có thể xuất phát từ Italia sang Thụy Sĩ cùng với một con la, rơi vào một khe núi rồi gặp nạn. Và hơn 400 năm sau, khi các sông băng tan nhờ biến đổi khí hậu, người đàn ông này cùng con la mới được các nhà khoa học phát hiện và khai quật.

Ngoài Theodul Pass Man, các nhà khoa học trên thế giới còn phát hiện nhiều cổ vật nhờ băng tan do biến đổi khí hậu, từ loài virus khổng lồ 30.000 năm tuổi, loài rêu cổ đại, các khu rừng cổ đến những cổ vật thời La Mã, các cổ vật thời đại đồ đồng và các chiến binh, vũ khí trong Thế chiến thứ nhất từng bị chôn vùi ở các sông băng.

Khắc Nam

(Theo Listverse – 4-2014)


Ý kiến bạn đọc