Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm tài năng từ Cuộc thi "Sáng tạo trẻ"

09:23, 14/05/2016

Từ nhiều năm nay, Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” đã thực sự trở thành sân chơi hấp dẫn, là môi trường giao lưu, học hỏi cho các em học sinh yêu thích nghiên cứu khoa học trên địa bàn huyện Krông Pắc.

Vốn đam mê nghiên cứu khoa học từ nhỏ, lại có thành tích học tập tốt ở các môn tự nhiên, đến nay em Phan Ngọc Linh, học sinh lớp 10 Trường THPT Phan Đình Phùng (huyện Krông Pắc) đã sở hữu 8 sản phẩm khoa học. Cơ duyên đưa Linh đến với niềm đam mê chế tạo từ lúc em mới 8 tuổi. Khi đó Linh được bố mua cho một chiếc xe mô hình, chỉ trong 2 ngày cậu bé đã tháo tung chiếc xe để mày mò về các bộ phận bên trong. Kể từ đó, Linh luôn đón xem các chương trình nghiên cứu khoa học trên tivi, báo đài, tích lũy kinh nghiệm và bắt tay vào chế tạo robot, máy móc thủ công. Sau nhiều lần thất bại, cuối năm lớp 6, Linh đã chế tạo thành công sản phẩm đầu tay là robot gắp, bắn và nâng. Cho đến bây giờ Linh đã chế tạo được 8 sản phẩm, gồm: robot gắp, bắn và nâng; robot hút bụi tự động; robot quét rác; robot leo địa hình; quạt đa năng mini từ xa; máy tái chế nông nghiệp; máy thu hoạch và tái chế thân ngô; máy phun thuốc gieo hạt. Tất cả các sản phẩm Linh chế tạo đều dựa trên nguyên tắc biến những thứ vô dụng thành hữu dụng, giá thành thấp mà khả năng ứng dụng cao, nên nhiều năm liền các sản phẩm dự thi “Sáng tạo trẻ” của Linh đều đạt thành tích cao. Mới đây, sản phẩm máy phun thuốc gieo hạt của Linh đã đoạt giải Nhất trong Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” huyện Krông Pắc lần thứ V. Linh chia sẻ: “Mục đích nghiên cứu khoa học của em không chỉ vì sở thích mà còn nhằm chế tạo ra các sản phẩm phục vụ mục đích của con người, nâng cao chất lượng đời sống, giảm thiểu sức lao động và an toàn với môi trường”.

Các em học sinh tiểu học (huyện Krông Pắc) tham gia Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” với nhiều sản phẩm mới lại, có tính ứng dụng cao.
Các em học sinh tiểu học (huyện Krông Pắc) tham gia Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” với nhiều sản phẩm mới lại, có tính ứng dụng cao.

Lần đầu tiên dự thi “Sáng tạo trẻ” cấp huyện với sản phẩm máy cắt đa năng, em Nguyễn Tấn Bình, học sinh lớp 11, Trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai không giấu được niềm phấn khởi khi sản phẩm đầu tay của mình đã vượt qua hơn 100 đối thủ để dự thi cấp tỉnh. Xuất thân trong gia đình bố mẹ làm nông, chứng kiến những nhọc nhằn vất vả của người nông dân mỗi kỳ thu hoạch, Bình đã ấp ủ ước mơ chế tạo một chiếc máy có thể giúp người nông dân tiết kiệm được thời gian và nhân lực trong sản xuất nông nghiệp. Sản phẩm máy cắt đa năng ra đời từ đó. Máy được chế tạo bằng nguyên liệu thép được cắt nhỏ để làm khung ngoài, vỏ bọc được làm bằng tôn trơn, động cơ gồm bộ đề xe máy và bình ắc quy để dẫn điện, lưỡi dao để cắt… Máy hoạt động theo nguyên tắc khi khởi động công tắc động cơ sẽ hoạt động, lưỡi dao được quay theo chiều từ trên xuống để dễ dàng cắt đứt vật. Ưu điểm của máy cắt là nhanh, lát cắt đều đẹp, có thể chỉnh mỏng dày tùy theo sản phẩm, tiết kiệm được thời gian cho người lao động. Bình cho hay, hầu hết nguyên liệu chế tạo máy cắt đa năng đều được em tận dụng từ những vật dụng hỏng, hoặc đã qua sử dụng, do đó để hoàn thành một chiếc máy cắt chỉ mất hơn 50.000 đồng. Sản phẩm đầu tay này của Bình sau khi được nhà trường, Huyện Đoàn thử nghiệm và đánh giá cao về tính thực tiễn đã tạo động lực cho cậu học trò tiếp tục thực hiện những tác phẩm bấy lâu nay ấp ủ.

Theo anh Nguyễn Văn Hà, Bí thư Huyện Đoàn Krông Pắc, trước đây khi nhắc tới sáng tạo hay nghiên cứu khoa học, nhiều người vẫn thường nghĩ đó là việc dành cho các nhà khoa học hoặc sinh viên các trường cao đẳng, đại học, trung cấp chuyên nghiệp. Từ khi Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” ra đời, những suy nghĩ đó đang ngày dần được thay đổi. Các bạn học sinh THCS, THPT đã biết ứng dụng kiến thức để thực hiện những mô hình, dụng cụ học tập, lao động phục vụ cho cuộc sống. Ngay cả những em học sinh tiểu học cũng có thể thỏa sức sáng tạo với các sản phẩm mang tính chất thủ công đơn giản.

Không chỉ dừng lại ở việc chế tạo máy móc phục vụ sản xuất, nhiều sản phẩm tại cuộc thi cũng chú trọng đến các thiết bị thông minh như máy chống trộm, máy quét dọn, máy chưng cất, bên cạnh đó nhiều em học sinh đã có ý thức chế tạo các thiết bị bảo vệ môi trường. Sản phẩm thuyền thu gom rác đoạt giải Nhì của em Nguyễn Văn Tuyên, Trường THPT Nguyễn Công Trứ là một điển hình. Trước thực trạng rác thải và nước thải gây ô nhiễm môi trường ngày càng trầm trọng, đặc biệt là rác thải ở trên các dòng nước, ven suối, ao hồ, Tuyên đã hình thành ý tưởng và bắt tay vào chế tạo thuyền thu gom rác. Sản phẩm này được làm từ chiếc thùng xốp cắt thành hình chữ nhật dài 70cm, rộng 45cm, chia làm 4 ngăn. Động cơ điều khiển được tận dụng từ những chiếc mô tơ nhỏ, lấy bình ắc quy xe máy và chế bộ phận giảm điện tử xạc điện thoại cũ dùng cho mô tơ; sau đó lấy bộ nhông xích tăm xe máy hàn thành bộ tời có gai giúp móc rác lên thuyền, cuối cùng chế tạo 1 chiếc bơm mini dùng để hút nước bẩn lên để lọc. Kết quả ban đầu mô hình trên đã thu gom được một số loại rác, chủ yếu là rác thải rắn và lọc được nước bẩn.

Với hàng trăm tác phẩm dự thi đến từ các trường tiểu học, THCS, THPT trên địa bàn huyện, qua 5 năm tổ chức, Cuộc thi “Sáng tạo trẻ” huyện Krông Pắc đã không ngừng được mở rộng về quy mô và chất lượng sản phẩm tham gia. Từ đó, giúp khơi dậy khả năng tư duy, nhóm lên ngọn lửa đam mê sáng tạo, nghiên cứu khoa học cho các em học sinh.        

Hồng Chuyên

 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.