Multimedia Đọc Báo in

Những tiến bộ khoa học mới có lợi cho cuộc sống con người

08:34, 21/04/2018

Sắp có kháng sinh thế hệ mới

Kháng sinh Odilorhabdin được xem là một trong những vũ khí mới trong cuộc chiến chống lại tình trạng kháng thuốc kháng sinh. Sản phẩm do nhóm các nhà khoa học quốc tế Đại học Illinois (Mỹ) chủ trì. Odilorhabdin có tác dụng cả với khuẩn gram dương lẫn gram âm, qua thử nghiệm trên chuột cho thấy có tác dụng tốt. 

Theo giáo sư Alexander Mankin, trưởng nhóm nghiên cứu ở Đại học Illinois, khuẩn Xenorhabdus nematophila (XN) sống cộng sinh với giun đất và là nguồn sản sinh ra Odilorabdins, nhờ chất độc và chất tiết điều hoà miễn dịch do khuẩn XN sinh ra mà giun đất có thể gây nhiễm và diệt côn trùng gây hại. Odilorhabdin là sản phẩm được nghiên cứu từ nhiều chủng vi khuẩn khác nhau, có tác động tới ribosome, phân tử lớn và phức tạp có mặt trong tất cả các tế bào sống, đảm nhận nhiều quá trình tổng hợp protein cần thiết. Ribosome là mục tiêu của thuốc kháng sinh, nhưng Odilorhabdin lại tác động đến ribosome theo một cách rất đặc biệt bằng cách phong bế khả năng của ribosome khi hướng dẫn di truyền để tổng hợp protein, làm cho ribosome tạo ra các protein khiếm khuyết, và cuối cùng làm cho tế bào vi khuẩn bị diệt vong.

Kháng sinh thế hệ mới Odilorhabdin là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh.
Kháng sinh thế hệ mới Odilorhabdin là giải pháp hữu hiệu cho tình trạng kháng thuốc kháng sinh.

Nhà ở xã hội xây dựng bằng công nghệ in 3D

Đại học Nantes (UoN) của Pháp vừa xây dựng thành công một căn nhà xã hội bằng công nghệ in 3D trên máy in robot BatiPrint3D. Công trình được xây dựng tại TP. Nantes - Pháp, có cấu trúc hình chữ Y thỏa mãn mọi tiêu chí của một căn hộ nhà ở xã hội. Ngôi nhà có diện tích 95 m2, gồm 5 phòng ở và công trình phụ. Giáo sư Benoit Furet, thành viên nhóm nghiên cứu ở UoN cho biết, đây là căn hộ được xây dựng bởi robot BatiPrint3D, có những bức tường bê tông hình dáng phức tạp, thời gian xây dựng 18 ngày. Vật liệu xây dựng là polymer đặc biệt, không chỉ bền đẹp mà còn có lợi cho môi trường, đặc biệt là tiết kiệm năng lượng. Ngôi nhà còn được trang bị nhiều thiết bị cảm ứng, thiết bị đo lường, như đo không khí, nhiệt độ và các đặc tính khác có liên quan đến công trình để bảo đảm tuổi thọ và hữu ích cho những người sử dụng.

Vòng trang sức đeo tay cảnh báo khi bị tấn công

Nhóm chuyên gia ở Đại học Alabama  (UoA) của Mỹ vừa phát triển thành công công nghệ mới tạo ra vòng trang sức đeo tay thông minh có thể theo dõi chuyển động của người dùng, tự động gửi các cảnh báo trong trường hợp bị tấn công. Sở dĩ gọi là “thông minh” vì nó vượt trội hơn so với các ứng dụng di động hiện có chỉ có chức năng cảnh báo thủ công nên hiệu quả phản hồi trong tình huống bị tấn công bất ngờ chưa cao. Phiên bản mới của UoA được trang bị một dãy cảm biến, gia tốc kế và con quay hồi chuyển, liên tục theo dõi các hoạt động của người dùng. Vòng đeo này còn gửi các thông báo đến các số điện thoại được thiết lập trước, thiết bị còn gửi cả vị trí GPS người bị nạn nên việc theo dõi, giải cứu nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Thiết bị biến nước biển thành nước ngọt

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Texas (UoT) của Mỹ vừa phát triển thành công thiết bị có thể biến nước biển thành nước ngọt bằng cách sử dụng công nghệ kết hợp ánh sáng mặt trời với vật liệu hydrogel. Công nghệ này có thể tạo ra nước sạch gần như từ bất kỳ nguồn nước nào, kể cả cả nước Biển Chết có độ mặn cực lớn. Cấu trúc nano của hydrogel giúp tận dụng được nhiều năng lượng tự nhiên từ ánh sáng mặt trời hơn mà không cần sử dụng thiết bị quang học hỗ trợ tập trung ánh sáng, nên quá trình bốc hơi nhanh trước khi được xử lý tiếp thành nước ngọt. Thiết bị trên đã được dùng để thử lọc nước Biển Chết, nơi có nước mặn cao gấp 10 lần nước biển thông thường. Kết quả, nước đầu ra thỏa mãn các tiêu chí nước uống do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) quy định. Nhóm đề tài hy vọng phát minh trên sẽ giúp con người khắc phục nạn thiếu nước ngọt trong tương lai, mang tính môi trường thân thiện, bền vững.

Bộ khung xương chữa chứng cong vẹo cột sống

  Bộ khung xương có tên Robotic Spine Exoskeleton (RoSE) được phát triển bởi Đại học Columbia, Mỹ (UoC) là một bộ khung xương robot gồm ba vòng nẹp ôm sát quanh vùng xương chậu, lồng ngực và vùng trên ngực. Các vòng được gắn liền với 12 vị trí xương chân và tay và được trang bị cảm biến, khớp nối và thiết bị truyền động, tạo ra áp lực lên cơ thể, cho phép đo được độ cứng của xương sống, từ đó có các phương pháp khắc phục các vấn đề liên quan, nhất là chứng vẹo cột sống ở trẻ nhỏ, với độ linh hoạt cao trong thiết kế và ứng dụng.

Giáo sư Sunil Agrawal, chủ nhiệm dự án cho biết, RoSE là thiết bị đầu tiên đo và điều chỉnh vị trí hoặc lực tại 6 vị trí của cơ thể. Công nghệ nẹp cột sống không phải là mới nhưng các thiết bị truyền thống không thoải mái khi sử dụng, RoSE đã khắc phục tình trạng này, đo được mức độ cứng khác nhau, và điều chỉnh các chứng biến dạng cột sống đạt hiệu quả cao hơn.

Nguyễn Nam

(Dịch từ SNC/NYT/ICC/PO/TCU- 4/2018)

 


Ý kiến bạn đọc