Multimedia Đọc Báo in

Chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học từ nguyên liệu nhà bếp

08:42, 12/05/2018

Thay vì sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ sâu bệnh cho các loại rau, quả..., anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần GoOrganic đã nghiên cứu chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học an toàn từ những nguyên liệu nhà bếp để phòng trừ một số loại sâu bệnh mang lại hiệu quả cho vườn rau của gia đình.

Vốn đam mê nông nghiệp, trong 3 năm làm thực tập sinh ngành Nông nghiệp tại Nhật Bản - nơi có nền nông nghiệp hữu cơ phát triển mạnh, anh Hoàng Anh đã học được cách phòng trừ sâu bệnh trên rau, quả từ các chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học được điều chế bằng lá cây neem (một loại cây được trồng nhiều ở tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận). Năm 2012, trở về Việt Nam, anh Hoàng Anh cùng một số bạn bè người Nhật Bản lên Đắk Lắk thuê đất thành lập Công ty cổ phần GoOrganic và đầu tư hệ thống trồng rau an toàn với diện tích gần 2 ha tại địa chỉ số 300, đường Hà Huy Tập (TP. Buôn Ma Thuột). Từ đó,  anh bắt  đầu tìm hiểu, nghiên cứu cách ủ lá cây neem với các nguyên liệu từ nhà bếp như: tỏi, ớt, rỉ mật đường, giấm, xác lá cây cà chua...  Sau  nhiều năm tìm tòi, nghiên cứu, anh đã tìm ra được công thức pha chế thuốc trừ sâu sinh học cho vườn rau của mình.

Nhân viên của Công ty cổ phần GoOrganic phun chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học lên vườn rau.
Nhân viên của Công ty cổ phần GoOrganic phun chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học lên vườn rau.

Để pha chế được một mẻ chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học cần có: 40 kg ớt, 40 kg tỏi xay nhuyễn trộn đều với 20 kg lá neem, sau đó cho hỗn hợp vào 100 lít dung dịch được pha từ rỉ mật đường, nước và giấm. Sau đó toàn bộ hỗn hợp này được ủ lên men và xục khí (tránh tình trạng lên khí mêtan) trong 10 ngày, đến khi hoàn thành sẽ được một dạng thuốc giống như giấm nuôi với khoảng 200 lít… Chi phí để sản xuất một mẻ chế phẩm sinh học này tùy thuộc vào giá thành của ớt (là chủ yếu). Với giá ớt tươi  trên thị trường hiện nay là 20.000 đồng/kg, thì để có 200 lít chế phẩm này mất khoảng 1 triệu đồng. Với diện tích 2 ha thì có thể dùng trong một tháng. “Chế phẩm này không chỉ là thuốc trừ sâu mà còn là một dạng saponin (sâm bổ sung kháng thể) giúp rau phát triển tốt, kháng được sâu bệnh. Liều lượng cho một lần sử dụng 1 lít chế phẩm có thể pha với 50 lít nước phun trực tiếp lên rau, tùy vào mức độ sâu bệnh mà pha đặc hay loãng”, anh Hoàng Anh cho biết.

 

Làm thuốc trừ sâu bằng chế phẩm sinh học  mất nhiều thời gian, công sức, có khả năng chi phí cao nếu như giá ớt tăng, nhưng đổi lại là có được các sản phẩm rau, quả an toàn, thậm chí ngay sau khi vừa phun chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học lên rau, quả, chúng ta có thể hái ăn ngay được”.

 

 
Anh Nguyễn Hoàng Anh

Không giống với thuốc bảo vệ thực vật, chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học này khi phun lên các loại rau, quả... sẽ không tiêu diệt được sâu bọ ngay. Theo kinh nghiệm của anh Hoàng Anh, loại chế phẩm tự chế này có chứa hàm lượng axit rất lớn, độ cay của ớt, độ đắng của lá neem khi dính vào mắt và da sẽ làm cho một số loại sâu như bọ nhảy, sâu ăn lá... bị phỏng và ngứa làm hạn chế dần và chấm dứt việc tấn công cây rau, quả. Vì vậy người nông dân khi điều chế và sử dụng  loại chế phẩm này phải kiên trì. Đặc biệt, chế phẩm này không gây ô nhiễm môi trường và nguồn nước, rất an toàn nên hiện nay anh Hoàng Anh dùng loại chế phẩm này để phun đại trà cho các loại rau, quả tại vườn vừa đảm bảo sức khỏe cho bản thân, vừa cung cấp các sản phẩm sạch cho cộng đồng. Sau khi lấy nước dùng làm thuốc trừ sâu, xác của chế phẩm được tận dụng để trộn với đất, hoặc phủ trên mặt rau mới trồng có tác dụng làm cho côn trùng,... không ăn rau mầm. Dù có nhiều tác dụng hữu ích, nhưng chế phẩm này còn nhiều mặt hạn chế: ảnh hưởng đến năng suất, sản lượng rau, củ, quả; từ khi phun chế phẩm trừ sâu sinh học lên cây đến khi sâu bọ chết mất khoảng 7 - 10 ngày, trong thời gian này sâu bọ vẫn có thể hại đến cây trồng. Theo anh Hoàng Anh, giai đoạn đầu sử dụng chế phẩm sinh học sẽ khiến chi phí mua nguyên liệu cao 1,5 lần so với việc sử dụng thuốc, hóa chất, bởi các loại thiên địch ăn sâu bọ như: ong, nhện, kiến, rắn, mối... rất ít, nhưng  càng về sau khi thiên địch phát triển cân bằng thì chi phí sẽ giảm xuống.

Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần GoOrganic đang thực hiện  công đoạn ủ lá neem.
Anh Nguyễn Hoàng Anh, Giám đốc Công ty cổ phần GoOrganic đang thực hiện công đoạn ủ lá neem.

Hiện nay, trong khi nhiều nông dân vẫn vô tư sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hóa chất để canh tác nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng thì việc tự làm chế phẩm thuốc trừ sâu sinh học của anh Nguyễn Hoàng Anh là một cách làm hay nhằm hướng đến một nền nông nghiệp an toàn, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.

Hoàng Ân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.