Multimedia Đọc Báo in

Ảnh hưởng của hóa chất bảo vệ thực vật đến sức khỏe con người

18:13, 09/04/2010

Tại các nước đang phát triển, việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật trong sản xuất nông nghiệp hiện là một trong những mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với sức khỏe cộng đồng.

Ước tính mỗi năm thuốc trừ sâu là nguyên nhân gây ra 10 triệu tai nạn ngộ độc, chủ yếu ở các nước đang phát triển.
Những biểu hiện cấp tính của việc nhiễm độc thuốc trừ sâu bao gồm: tê dại, cảm giác kim châm, thiếu khả năng phối hợp hoạt động, đau đầu, chóng mặt, rùng mình, cảm giác buồn nôn, đau bụng, đổ mồ hôi, mờ mắt, khó thở, suy hô hấp hay giảm nhịp đập của tim. Thuốc trừ sâu với một liều lượng cao có thể gây bất tỉnh, co giật hoặc tử vong.
Các bằng chứng cũng cho thấy mối liên quan giữa việc sử dụng thuốc trừ sâu với các bệnh về hô hấp, da, ung thư, khuyết tật thai nhi, rối loạn về sinh sản và thần kinh. Trẻ em và thai nhi đặc biệt dễ bị tổn thương bởi sự nhiễm độc thuốc trừ sâu.

Việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng (Ảnh: T.L)
Việc lạm dụng hóa chất bảo vệ thực vật sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người sản xuất và tiêu dùng (Ảnh: T.L)

Các vấn đề về sức khỏe liên quan đến hóa chất bảo vệ thực vật là kết quả của quá trình tiếp xúc, chủ yếu thông qua một hoặc một số con đường: Hệ tiêu hóa, hệ hô hấp, da. Các con đường nhiễm độc rất khác nhau đối với từng loại hóa chất. Việc nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật qua đường tiêu hóa có thể xảy ra ngẫu nhiên khi người nông dân ăn, uống hay hút thuốc khi đang phun hóa chất bảo vệ thực vật hoặc sau khi phun thuốc một thời gian ngắn mà không rửa tay. Nhiễm độc qua đường hô hấp dễ xảy ra khi phun thuốc không có mặt nạ bảo vệ. Đồng thời hóa chất có thể hấp thụ qua da nếu người phun để da và quần áo ẩm ướt trong khi phun thuốc, trộn các loại hóa chất bằng tay không hay đi chân trần trên những cánh đồng khi đang phun thuốc.
Đối với trẻ em thì nguy cơ mắc bệnh do nhiễm độc cao hơn so với người lớn. Trong giai đoạn phát triển, cơ thể nhạy cảm hơn đối với các phản ứng do hóa chất phá vỡ tuyến nội tiết bởi vì một loạt các mô tách biệt dễ tổn thương trước sự thay đổi mức độ hoóc môn. Trẻ em có tỷ lệ bề mặt tiếp xúc với môi trường cao hơn ở người lớn. Tính trung bình trên mỗi kg cơ thể, trẻ em uống nhiều nước hơn, ăn nhiều hơn và thở nhiều hơn. Khi trẻ chơi gần mặt đất, chúng có thể bị nhiễm độc hóa chất bảo vệ thực vật từ đất.
Khi hóa chất bảo vệ thực vật được sử dụng với nồng độ lớn và thường xuyên hoặc vào thời điểm gần thu hoạch, lượng thuốc tồn dư rất cao trong các sản phẩm thu được. Người tiêu dùng do đó cũng có nguy cơ bị nhiễm độc cao. Nước uống cũng có thể bị ô nhiễm, dù đó là ô nhiễm trực tiếp từ hệ thống đường cấp nước hay do sử dụng chung thùng chứa và vận chuyển nước uống với hóa chất bảo vệ thực vật.

Nguyệt Ánh (tổng hợp)

 


Ý kiến bạn đọc