Multimedia Đọc Báo in

Dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh

14:44, 10/07/2010

 

Dự thảo Nghị định Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh (KCB) đang được lấy ý kiến rộng rãi trong dư luận và có hiệu lực thi hành từ 1-1-2011. Đây là Nghị định được đánh giá là đã quy định chi tiết việc xử phạt, hình thức khắc phục đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực khám bệnh, chữa bệnh; hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác; sinh con theo phương pháp khoa học và xác định lại giới tính.

Xử phạt nặng cơ sở KCB không phép

Theo dự thảo Nghị định, mức phạt lên đến 30 triệu đồng với các hành vi cung cấp dịch vụ KCB mà không có giấy phép hoạt động hoặc đang trong thời gian bị đình chỉ hoạt động; cung cấp dịch vụ KCB vượt quá phạm vi chuyên môn được ghi trong giấy phép hoạt động (trừ trường hợp cấp cứu); thuê, mượn giấy phép hoạt động; cho thuê, mượn giấy phép hoạt động…
Trường hợp cơ sở KCB để xảy ra tai biến trong KCB, phạt tiền từ 6-12 triệu đồng đối với hành vi: Cơ sở KCB không bồi thường thiệt hại cho người bệnh khi xảy ra sai sót chuyên môn kỹ thuật gây ra tai biến cho người bệnh; Cơ sở KCB không thành lập hội đồng chuyên môn theo quy định của pháp luật để xác định có hay không có sai sót chuyên môn kỹ thuật trong trường hợp có yêu cầu giải quyết tranh chấp về KCB khi xảy ra tai biến đối với người bệnh.
Mức phạt từ 3-5 triệu đồng đối với một trong các hành vi nhận, môi giới hối lộ trong KCB, mức phạt tăng lên từ 5-10 triệu đồng với hành vi kê đơn, chỉ định sử dụng các dịch vụ KCB, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở KCB khác vì mục đích vụ lợi.
Trong thời gian qua, việc một số cơ sở KCB có sử dụng bác sĩ người nước ngoài nhưng chưa được cơ quan chức năng thẩm định và cấp phép cũng sẽ được quy định chi tiết tại dự thảo Nghị định này. Theo đó, cơ sở KCB có người nước ngoài không biết tiếng Việt thành thạo trực tiếp KCB cho người Việt Nam mà không đăng ký ngôn ngữ sử dụng và không có người phiên dịch; người nước ngoài trực tiếp KCB cho người Việt Nam chỉ định điều trị, kê đơn thuốc bằng ngôn ngữ khác không phải là tiếng Việt (trừ trường hợp được ghi bằng ngôn ngữ mà người hành nghề đã đăng ký sử dụng và người phiên dịch phải dịch sang tiếng Việt); người nước ngoài trực tiếp KCB cho người Việt Nam bằng tiếng Việt hoặc sử dụng phiên dịch chưa được kiểm tra và công nhận trình độ bởi cơ sở đào tạo chuyên ngành do Bộ Y tế chỉ định sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng. Trong từng trường hợp sẽ có hình thức xử phạt bổ sung như tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề không thời hạn, tước quyền sử dụng chứng chỉ hành nghề từ 6-12 tháng.

Gây tổn hại danh dự người hành nghề cũng bị phạt 

Dự thảo Nghị định cũng quy định rõ các hành vi vi phạm của người bệnh, người đến khám, điều trị tại các cơ sở y tế. Mức phạt cụ thể từ 2-6 triệu đồng đối với các hành vi như cung cấp thông tin không trung thực liên quan đến tình trạng sức khỏe của mình, không hợp tác đầy đủ với người hành nghề và cơ sở KCB; klhông chấp hành chỉ định chẩn đoán, điều trị của người hành nghề, trừ một số trường hợp được từ chối quy định tại Điều 12 Luật Khám bệnh, chữa bệnh; không chấp hành nội quy của cơ sở KCB, quy định của pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh.
Mức phạt tăng lên từ 6-15 triệu đồng đối với hành vi gây tổn hại đến sức khỏe, tính mạng, danh dự, nhân phẩm của người hành nghề trong khi đang KCB; không chi trả chi phí KCB theo quy định, trừ trường hợp được miễn, giảm theo quy định của pháp luật.

Cấm quảng cáo, môi giới việc mua bán bộ phận cơ thể

Vi phạm các quy định về hiến, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến, lấy xác có mức xử phạt cao nhất. Phạt tiền từ 30-40 triệu đồng đối với hành vi lấy trộm mô, bộ phận cơ thể người, lấy trộm xác; tiến hành hoạt động lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người khi chưa được phép của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền; lấy mô, bộ phận cơ thể ở người sống dưới 18 tuổi; ghép mô, bộ phận cơ thể của người bị nhiễm bệnh theo danh mục do Bộ trưởng Bộ Y tế quy định; cấy tinh trùng, noãn, phôi giữa những người cùng dòng máu về trực hệ và giữa những người khác giới có họ trong phạm vi ba đời; mua, bán mô, bộ phận cơ thể người; mua, bán xác. Đối với các trường hợp quảng cáo, môi giới việc mua bán bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại; tiết lộ thông tin, bí mật về người hiến và người được ghép trái với quy định của pháp luật sẽ bị phạt tiền từ 5-15 triệu đồng.            
Phạt tiền từ 10 - 15 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ các thông tin về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho, nhận tinh trùng, phôi; thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi khi không được phép thực hiện. Phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với hành vi mang thai hộ; sinh sản vô tính.

Cấm một số hành vi xung quanh vấn đề giới tính

Trường hợp tiết lộ thông tin về việc xác định lại giới tính của người khác, phân biệt đối xử đối với người đã xác định lại giới tính sẽ bị phạt tiền từ 2 - 5 triệu đồng. Phạt tiền từ 5 - 15 triệu đồng đối với một trong các hành vi thực hiện việc chuyển đổi giới tính đối với những người đã hoàn thiện về giới tính; thực hiện việc xác định lại giới tính khi chưa được phép của Bộ Y tế hoặc Sở Y tế tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Theo SK&ĐS


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Bài 2: Giúp người nghèo an cư lạc nghiệp
Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Đắk Lắk đã và đang vận động xây nhà ở tặng người nghèo, thực hiện các chương trình hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất giúp họ an cư để “tạo đà” lập nghiệp.