Multimedia Đọc Báo in

Không nên lạm dụng truyền dịch

11:22, 16/07/2010
Truyền dịch, tức là truyền những chất có lợi vào cơ thể, đây là giải pháp mà rất nhiều người chọn để giải quyết một số vấn đề về sức khỏe và đôi khi chỉ đơn giản để... làm đẹp.
 
Cách đây gần nửa tháng, chị Nguyễn Thị A, ở phường Tự An (TP. Buôn Ma Thuột) bị đau đầu sổ mũi, người nhà chị đưa chị đến một phòng khám tư gần nhà. Tại đây chị được uống thuốc giảm đau và vào buồng bệnh truyền dịch. Tuy nhiên, khi truyền hết 2 chai dịch, chị vẫn không khỏi đau và tình trạng đau vẫn tiếp diễn trong những ngày sau đó. Lúc này chị mới vào viện khám và được biết là mình bị sốt xuất huyết.
Trường hợp như chị A không phải hiếm, bởi hiện nay truyền dịch được coi là một giải pháp đơn giản để giải quyết nhiều vấn đề về sức khỏe như mệt mỏi, choáng váng, ngộ độc thực phẩm, sốt... Quá kỳ vọng vào lợi ích của truyền dịch, cho rằng nó luôn tốt, không gây hại nên không ít người đã lạm dụng truyền dịch không theo chỉ dẫn của bác sĩ, tiến hành truyền dịch trong những điều kiện không an toàn. Thậm chí, nhiều người truyền dịch với những lý do như: truyền dịch để béo thêm, cho da đẹp thêm... Đặc biệt, vào thời điểm hè oi bức, trẻ em dễ bị sốt virus và nhiều bậc cha mẹ tìm đến giải pháp “truyền dịch để bù nước”. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, việc truyền dịch cho trẻ bị sốt có tác dụng không hơn gì uống nhiều nước. Chỉ khi sốt cao, kéo dài, bác sĩ mới chỉ định truyền dịch, còn lại có thể bù nước bằng đường uống.
 
Hiện nay một số người dân có điều kiện kinh tế, khi cảm thấy mệt mỏi muốn hồi phục nhanh chóng thường nghĩ đến truyền đạm. Trên thị trường thuốc hiện nay có khá nhiều loại dịch truyền thuộc 3 nhóm cơ bản là: nhóm cung cấp chất dinh dưỡng dùng trong các trường hợp suy kiệt, ăn uống kém; Nhóm cung cấp các chất điện giải dùng trong các trường hợp mất nước, mất máu; và nhóm đặc biệt như huyết tương tươi, dung dịch chứa albumin, dung dịch dextran hay dung dịch cao phân tử... dùng trong các trường hợp cần bù nhanh chất đạm hoặc lượng dịch tuần hoàn trong cơ thể.  Đây là loại dung dịch gồm các chất các axit amin thiết yếu, một số vitamin, muối khoáng thường được chỉ định khi bệnh nhân không thực hiện được nuôi dưỡng bằng đường tiêu hóa, hồi sức cấp cứu, trước và sau khi mổ, bị bỏng nặng, suy kiệt... Các trường hợp thông thường, bác sĩ thường dựa vào kết quả xét nghiệm để quyết định có truyền dịch  được hay không.
 
Việc lạm dụng truyền dịch gây nhiều tốn kém không đáng về tiền bạc và thời gian, lại không thể nói trước được những nguy cơ nếu sơ xảy. Người dân rất cần trang bị những kiến thức cơ bản về vấn đề này để tránh “tiền mất tật mang”.
Liên Chi

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Bài 2: Giúp người nghèo an cư lạc nghiệp
Bằng nhiều nguồn lực, tỉnh Đắk Lắk đã và đang vận động xây nhà ở tặng người nghèo, thực hiện các chương trình hỗ trợ, giải quyết tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất giúp họ an cư để “tạo đà” lập nghiệp.