Multimedia Đọc Báo in

Bước tiến mới trong ứng dụng khoa học kỹ thuật ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh

09:10, 27/06/2011

Là đơn vị tuyến cuối nắm giữ vai trò quan trọng trong việc tiếp nhận và cứu chữa người bệnh, những năm qua, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh luôn coi trọng công tác tiếp cận và ứng dụng kỹ thuật hiện đại vào khám chữa bệnh (KCB) cho nhân dân trên địa bàn. Nhiều kỹ thuật cao được triển khai thành công ở BVĐK tỉnh đã và đang tạo nên những bước chuyển mới, góp phần nâng cao hiệu quả công tác khám, chẩn đoán và điều trị bệnh.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc nâng cao tay nghề y bác sĩ, ứng dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng KCB, nhiều năm qua, việc nghiên cứu, ứng dụng KHKT vào chẩn đoán, khám và điều trị bệnh được Ban lãnh đạo BVĐK tỉnh đặc biệt quan tâm. Bác sĩ Bùi Trường Phong, Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: “Công tác ứng dụng KHKT trong chẩn đoán và điều trị bệnh là một lĩnh vực mới. Do đó, để ứng dụng thành công các kỹ thuật mới, hằng năm, BV đều cử cán bộ y bác sĩ đi học, tập huấn, dự các hội nghị khoa học để đào tạo theo hướng chuyên sâu, đồng thời mời các chuyên gia, các giáo sư, tiến sĩ của các BV như: Viện Huyết học truyền máu Trung ương, BV Chợ Rẫy, BV Răng - Hàm - Mặt Trung ương, BV Nhi đồng I... về cầm tay chỉ việc, chuyển giao công nghệ. Nhờ đó, BV đã ứng dụng thành công nhiều kỹ thuật mới vào KCB”.

Một trường hợp vỡ tim đã được phẫu thuật thành công tại BVĐK tỉnh.
Một trường hợp vỡ tim đã được phẫu thuật thành công tại BVĐK tỉnh.
Theo thống kê của BVĐK tỉnh, trung bình mỗi năm, BV triển khai khoảng 20 kỹ thuật mới. Đến thời điểm này, rất nhiều kỹ thuật mới được triển khai thành công trên nhiều lĩnh vực, đáp ứng nhu cầu KCB ngày càng cao của nhân dân, đặc biệt, nhiều kỹ thuật đã mang lại lợi ích to lớn cho người bệnh trên địa bàn. Thành công lớn của BVĐK tỉnh trong việc ứng dụng KHKT phải kể tới là những ca chạy thận nhân tạo đầu tiên được thực hiện năm 2009. Từ đó đến nay, thận nhân tạo đã cứu sống nhiều ca suy thận cấp sau đa chấn thương, ngộ độc, sốc. Trung bình mỗi tháng có trên 300 lượt thận nhân tạo chu kỳ, giúp nhiều bệnh nhân suy thận mạn được điều trị ngay tại tỉnh không phải đi TP. Hồ Chí Minh như trước, đồng thời còn tiết kiệm được chi phí đi lại, ăn ở, điều trị. Trong sản khoa đã phẫu thuật thành công nhiều ca bệnh hiểm nghèo, nhất là việc triển khai ứng dụng bơm supap tăng (điều trị suy hô hấp) đã cứu sống nhiều trẻ sinh non tháng. Hay gần đây nhất là việc ứng dụng kỹ thuật thay khớp gối bán phần và toàn phần. Đây là một kỹ thuật đem lại nhiều lợi ích cho người bệnh, vừa không phải đi xa điều trị, lại tiết kiệm được đến trên 50% chi phí (trước đây, người bệnh cần thay khớp gối phải đi TP. Hồ Chí Minh hoặc ra Huế thực hiện với tổng chi phí cho mỗi ca phẫu thuật khoảng 70 triệu đồng, nhưng hiện nay thực hiện tại BVĐK tỉnh chỉ mất chi phí mỗi ca phẫu thuật không quá 30 triệu đồng)… Với việc thường xuyên tiếp cận và ứng dụng KHKT vào KCB, đến nay, BVĐK tỉnh đã làm chủ các kỹ thuật ngoại khoa đứng đầu khu vực Tây Nguyên như: phẫu thuật thay khớp háng, phẫu thuật nối chi, phẫu thuật nội soi, hồi sức sơ sinh, cấp cứu nội khoa, nhi khoa, phẫu thuật sọ não, tim… bảo đảm cứu sống nhiều bệnh nhân hiểm nghèo.

Bên cạnh việc ứng dụng các kỹ thuật lâm sàng, các khoa cận lâm sàng cũng được chú trọng đầu tư mạnh. Từ việc áp dụng các phương pháp tiên tiến, như: CT scaner, siêu âm màu 4D, Dooppler, nội soi chẩn đoán và can thiệp, đến việc trang bị máy móc hiện đại như máy tách thành phần máu để sử dụng hiệu quả chế phẩm máu trong cấp cứu, điều trị cho người bệnh. Không những thế, hiện tại, BV đang trang bị máy cộng hưởng từ (MRI) để nâng cao hiệu quả phục vụ trong lĩnh vực cận lâm sàng. Dự kiến, quý III-2011, máy sẽ đi vào hoạt động đáp ứng nhu cầu của người bệnh. Chính việc tiếp cận và ứng dụng KHKT đã tạo tiền đề cho hoạt động KCB của BV được thực hiện hiệu quả, phục vụ người bệnh tốt nhất. Nhờ vậy, các khoa của BV đều có công suất sử dụng giường bệnh cao, hầu hết đều đạt trên 100%. Tinh thần phục vụ người bệnh của đa số cán bộ, bác sĩ, nhân viên bệnh viện tận tình chu đáo, tạo được sự yêu mến, tin tưởng của người bệnh.

Có thể thấy, trong điều kiện khó khăn như hiện nay, việc đầu tư các trang thiết bị máy móc, ứng dụng KHKT trong khám và điều trị bệnh có ý nghĩa rất lớn trong việc chăm sóc sức khỏe nhân dân, giúp cho việc KCB đạt được hiệu quả tốt hơn, bệnh nhân ít tốn kém chi phí điều trị và thời gian nằm viện. Những kỹ thuật mới được ứng dụng thành công tại BVĐK tỉnh đã góp phần củng cố và thực hiện tốt mục tiêu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân của ngành Y tế tỉnh nhà.

Kim Oanh

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.