Dịch bệnh tay, chân, miệng: Khó kiểm soát
Trong khi Bộ Y tế giữ quan điểm kiểm soát được dịch bệnh tay, chân, miệng (TCM) thì từ giữa tháng 9 đến nay, số ca mắc luôn dao động từ 2.000 đến 2.500. Dịch TCM lây lan với tốc độ chóng mặt không chỉ khiến người dân hoang mang, mà ngay cả những chuyên gia có kinh nghiệm trong lĩnh vực dịch tễ cũng sốt ruột.
Thêm gần 5.000 người mắc bệnh tay chân miệng
Ngày 23-10, Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, trong vòng một tuần qua, cả nước đã ghi nhận thêm gần 5.000 trường hợp mắc mới bệnh tay chân miệng với 5 ca tử vong, nâng tổng số người bị TCM trong cả nước từ đầu năm tới nay lên trên 76.121 trường hợp tại 63 tỉnh thành và 135 ca tử vong tại 26 địa phương. Theo nhận định của các chuyên gia dịch tễ, số mắc và tử vong do TCM cao nhất từ xưa đến nay đã khiến dư luận liên tục đặt câu hỏi tại sao các địa phương lại "lấn cấn" trong việc công bố dịch. Những người làm công tác dịch tễ lâu năm như GS Phạm Song, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam cũng sốt ruột đặt câu hỏi: Có thực sự là bệnh đã được kiểm soát hay các địa phương đang "mắc bệnh" thành tích, sợ "mang tiếng" là có dịch?(!)
Đến thời điểm này, lý do mà ngành y tế không công bố dịch là phải tuân thủ theo đúng quy định của pháp luật. Quyết định 64/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã nêu rõ việc công bố dịch chỉ được thực hiện khi có số người mắc vượt quá dự tính ban đầu của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Đồng thời, quy mô, tính chất của bệnh dịch vượt quá khả năng kiểm soát của cơ quan y tế tuyến tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; bệnh dịch được Bộ trưởng Bộ Y tế xác định có sự biến đổi tác nhân gây bệnh, có nguy cơ làm tăng tỷ lệ tử vong cao mà chưa xác định rõ tác nhân gây bệnh, chưa có biện pháp khống chế hiệu quả... Cục trưởng Cục Y tế dự phòng Nguyễn Văn Bình cho rằng, theo quy định này, không phải cứ gia tăng số mắc so với dự kiến là sẽ tiến hành công bố dịch. Mặc dù điều kiện này đã có ở nhiều địa phương nhưng chưa đủ, nhiều cơ quan y tế địa phương đã khống chế, kiểm soát được quy mô, tính chất dịch bệnh. Hơn nữa, TCM thuộc bệnh truyền nhiễm nhóm B nên thẩm quyền công bố dịch thuộc về chủ tịch UBND tỉnh theo đề nghị của Giám đốc Sở Y tế. Bộ Y tế chỉ công bố dịch khi có từ hai tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã công bố dịch. Tuy nhiên, nếu như tuyến xã, huyện không kiểm soát và khống chế được bệnh TCM thì có thể đề nghị chủ tịch UBND tỉnh công bố dịch tại xã đó.
Trao đổi với báo giới mới đây, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, Việt Nam đang có dịch TCM và giải thích việc không công bố dịch là do các nước xung quanh có số mắc cao cũng chưa công bố dịch. Đây là việc cần thận trọng bởi việc công bố dịch có thể dẫn đến hệ lụy xã hội không đáng có.
Ảnh minh họa |
Giải mã nguyên nhân
"Mổ xẻ" nguyên nhân dẫn đến số mắc và tử vong do dịch TCM tăng cao, tại buổi tập huấn bệnh TCM mới đây, nhiều ý kiến cho rằng ngành Y tế đang lúng túng trong việc chống dịch. Chẩn đoán nhầm, đánh giá không đúng mức độ bệnh TCM của trẻ là một trong những lỗi thường gặp ở cả tuyến cơ sở và trung ương. Bác sĩ Nguyễn Minh Tiến, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực - Chống độc Bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cho biết, tại bệnh viện tuyến cuối, đã có trường hợp bác sĩ khám xác định TCM và phân độ lâm sàng bệnh nhân là độ 2A, thế nhưng chỉ 5 phút sau khi được chuyển vào khoa điều trị thì bệnh nhi đã ở độ 4, mức nặng nhất của phân độ lâm sàng. Lúc ấy, bệnh nhi đã bị sốc, phù phổi cấp, tím tái… và việc điều trị phải áp ngay theo phác đồ dành cho mức độ nặng nhất mà Bộ Y tế ban hành. Chẩn đoán nhầm bệnh chính là căn nguyên của nhiều ca tử vong do TCM thời gian qua, bởi nhiều ca bệnh không có biểu hiện lâm sàng đặc trưng như các nốt phỏng ở TCM hay mông, gối… khiến bác sĩ thiếu kinh nghiệm có thể điều trị bệnh nhân theo hướng bệnh khác. Khi xác định được đúng bệnh thì bệnh đã chuyển nặng.
Theo PGS.TS Nguyễn Trần Hiển, Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong mùa dịch này, 80% bệnh nhân lây bệnh tại gia đình, 41% lây từ mẹ sang con, rất nhiều ca mắc không tìm được đường lây. Điều này đồng nghĩa rằng dịch đã lan rộng ra môi trường và tiềm ẩn ở những người lành mang vi trùng. Chính vì thế, việc khống chế dịch trở nên khó khăn, nhất là khi người dân chưa có ý thức vệ sinh cá nhân, thực hiện đúng các biện pháp phòng bệnh. Thực tế là tại nhiều vùng dịch, người dân vẫn không hiểu gì về dịch TCM, cho rằng chỉ cần phun thuốc Cloramin B là có thể phòng bệnh. Ngay cả cán bộ dịch tễ địa phương hay giáo viên ở một số nơi cũng còn thiếu kiến thức về bệnh TCM, dẫn đến hướng dẫn phòng bệnh sai cho học sinh...
Bộ Y tế cho biết, đến thời điểm hiện tại chưa có địa phương nào kêu thiếu kinh phí chống dịch, địa phương không đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí tức là vẫn có thể lo liệu được. Bộ Tài chính cũng đã cam kết tất cả các dự trù kinh phí cho chống dịch đều sẽ được giải quyết. Thuận lợi là vậy, tại sao đã nhiều tháng trôi qua mà dịch TCM vẫn hoành hành phức tạp?
K.O (tổng hợp)
Ý kiến bạn đọc