Multimedia Đọc Báo in

Dịch tay, chân, miệng bùng phát mạnh trên cả nước

10:30, 26/10/2011

Trước những diễn biến phức tạp của bệnh tay, chân, miệng (TCM) khi số người mắc liên tục tăng cao, chiều 25-10, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đã họp báo về dịch bệnh TCM đang bùng phát mạnh trên cả nước.

Có dịch nhưng không đến mức phải công bố

Tính từ đầu năm đến nay, cả nước đã có 77.895 ca mắc TCM tại 63 tỉnh thành trong cả nước, trong đó 137 trường hợp tử vong, nhưng Bộ Y tế vẫn khẳng định “cả về lý thuyết lẫn thực tế, không có cơ sở để công bố dịch”. Lý giải vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng, bệnh dịch TCM vẫn đang kiểm soát tốt nên chưa công bố dịch, nhưng không công bố dịch không phải là vô tình trước tính mạng người bệnh. Vả lại khi công bố dịch, tất cả các ngành đều đặt trong tình trạng khẩn cấp, ngành du lịch, xuất nhập khẩu sẽ bị ảnh hưởng trực tiếp. Khách du lịch ra vào sẽ phải làm xét nghiệm… như vậy rất phức tạp. Các nước xung quanh Việt Nam bị TCM nặng nề hơn nhiều, nhưng chưa có nước nào công bố dịch… Hơn nữa, theo luật phòng chống bệnh truyền nhiễm, Việt Nam chỉ công bố dịch khi có 2 tỉnh trở lên công bố dịch, mà tỉnh công bố dịch tức là tỉnh đó không có khả năng phòng chống dịch bệnh. Hiện tại, việc các tỉnh không công bố dịch không phải vì mắc “bệnh thành tích” mà dịch vẫn trong tầm kiểm soát.

Bộ trưởng cũng khẳng định, mức độ lan rộng và tử vong của bệnh TCM hiện nay đã đến mức gọi là dịch. Song so sánh với tỉ lệ mắc ở Nhật và Singapore là 2,5 và 3 ca/1.000 dân thì tỉ lệ mắc ở Việt Nam dưới 1 ca/1.000 dân vẫn không phải là cao.  Ngoài ra, với một dịch bệnh chủ yếu rơi vào khu vực miền Nam, là bệnh lưu hành trong mấy năm nay, chủ yếu ở trẻ em dưới 5 tuổi, có đỉnh cao dịch (tức là chắc chắn sẽ giảm 1 thời gian sau đó)… việc công bố dịch về mặt lý thuyết lẫn thực tiễn đều không phù hợp. Chỉ với những dịch bệnh lây lan trực tiếp như dịch cúm A/H1N1 mới phải công bố. Một cái hắt hơi có thể lây cho cả cộng đồng hàng trăm người, có thể gây ra hàng triệu người một lúc ở mọi đối tượng và có khả năng lan rộng ra tất cả các quốc gia lục địa. Hay như dịch cúm A/H5N1 rất nguy hiểm, chỉ từ một cái hắt hơi của một người đàn ông ở Hồng Kông đã khiến 9 người ở tầng đó đều tử vong. Nhưng người ta cũng không công bố dịch vì nó không lây lan trực tiếp mà qua tác nhân là gà, chim. Vì thế, ở thời điểm này, dịch thì đang có nhưng đến mức công bố của một đơn vị hành chính là tỉnh hay của một quốc gia lại là một vấn đề khác. Tuy nhiên, dù không công bố dịch, nhưng chúng ta không lơ là trước bệnh này, nhất là với tính mạng của trẻ em. Điều này được thể hiện bằng quyết tâm phòng chống ngăn chặn bệnh tay chân miệng của Chính phủ, các bộ ngành, cũng như các đoàn thể. Trên thực tế, qua giám sát cho thấy dịch đang được khống chế vì các địa phương như TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương..., số ca mắc và tử vong đều đang giảm dần trong các tuần gần đây. Rõ ràng, không công bố dịch nhưng các địa phương vẫn tiến hành các biện pháp chống dịch.

 

Rửa tay bằng xà phòng là biện pháp đơn giản nhưng phòng bệnh TCM rất hiệu quả.

 

80% số trẻ mắc TCM thuộc nhóm trẻ chưa đến trường

Tại buổi gặp gỡ báo chí chiều 25-10, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) Trần Đức Long cho biết, một điều tra của Viện Pasteur TP. Hồ Chí Minh trên 100 trẻ mắc TCM có xét nghiệm dương tính tại 5 tỉnh, thành phố (TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương và Bến Tre) cho thấy,  có tới 76,92% trẻ ở nhà bị TCM, trong khi ở nhóm đi nhà trẻ công lập là 20%, còn nhóm đi nhà trẻ tư nhân chiếm 1,71%, nhóm trẻ gia đình 0,85%, học phổ thông cơ sở 0,85%. Còn thống kê tại Long An, tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học bị TCM chiếm 80% số ca mắc, trong khi số trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo chỉ chiếm 20%. Tại Vĩnh Long, tỷ lệ trẻ bị bệnh ở nhà là gần 70%, tại Quảng Ngãi, tỷ lệ trẻ ở nhà không đi học là 83,4%, còn lại là nhóm trẻ đi nhà trẻ, mẫu giáo.

Trước những kết quả này, ông Long khuyến cáo, các bậc phụ huynh không nên quá hoang mang khi ở trường học ghi nhận ca bệnh. Bởi đây là bệnh lây truyền qua đường phân - miệng, nếu không vệ sinh sạch sẽ thì nhà ở cũng chứa đựng yếu tố nguy cơ lây nhiễm và số liệu điều tra là một minh chứng. Để phòng bệnh, các bà mẹ, người chăm sóc trẻ nhỏ cần thường xuyên cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh; thực hiện ăn chín, uống chín, sử dụng thực phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh; thường xuyên khử trùng môi trường và đồ dùng của trẻ, sàn nhà phải vệ sinh sạch sẽ.

Chỉ một thông điệp - rửa tay xà phòng

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, điều quan trọng để có thể khống chế dịch hiện nay là truyền thông cho hiệu quả, thậm chí phải làm trước cả phòng dịch bằng hóa chất, dập dịch. Tuy nhiên, nội dung truyền thông thời gian qua chưa hiệu quả, chưa trúng đích, chủ  yếu tuyên truyền khử trùng môi trường bằng chloramine B. Trong khi đó, thông điệp về biện pháp phòng bệnh TCM rất đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả là: “Rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi ăn, sau khi đi vệ sinh” còn ít được nói đến.  Trên thực tế, không có nguồn lây, trẻ sẽ không bị tay chân miệng. Mà để cắt đứt nguồn lây, cần có một bàn tay sạch.

Bộ trưởng cũng cho biết, thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thành lập Vụ Giáo dục sức khỏe và truyền thông y tế. Ở các địa phương diễn biến dịch còn căng thẳng sẽ thành lập các đội tình nguyện viên phòng chống dịch. Cuối buổi gặp mặt báo chí, bà Tiến vẫn nhắc lại thông điệp với bệnh TCM chỉ cần tuyên truyền sâu rộng về thông điệp cho người dân là “Rửa tay bằng xà phòng”.

K.O (tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc