Multimedia Đọc Báo in

Thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã giai đoạn 2011-2020: Việc không của riêng ngành Y tế!

14:47, 22/06/2012

Thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế (CQGVYT) xã, phường là một trong những hoạt động nổi bật của ngành Y tế trong 10 năm qua. Thành công của giai đoạn 2001-2010 là tiền đề vững chắc để ngành Y tế bước vào thực hiện Bộ tiêu chí mới với những mục tiêu cụ thể: đến hết năm 2012 sẽ có 35% xã, phường đạt CQGVYT, 50% vào năm 2015 và đến năm 2020 tỷ lệ này là 80%. Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu này còn gặp không ít khó khăn.

Truyền thông - giáo dục sức khỏe là một tiêu chí trong CQGVYT theo tiêu chí mới.
Truyền thông - giáo dục sức khỏe là một tiêu chí trong CQGVYT theo tiêu chí mới.

Ngày 22-9-2011, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 3447/QĐ-BYT về việc thực hiện Bộ tiêu chí CQGVYT xã giai đoạn 2011-2020. Bộ tiêu chí này vẫn dựa trên nền tảng của CQGVYT xã giai đoạn 2001-2010, song đã đưa ra nhiều chỉ tiêu mới với những tỷ lệ tương đối cao. Theo đó, xã (phường) được công nhận CQGVYT phải đạt từ 90 điểm trở lên, không có điểm liệt và số điểm trong mỗi tiêu chí phải đạt từ 50% số điểm của tiêu chí đó trở lên. Bước vào thực hiện Bộ tiêu chí mới, một thuận lợi lớn đối với tỉnh là ngành Y tế đã có kinh nghiệm nhiều năm liền thực hiện CQGVYT xã giai đoạn trước với một “hành trang” đáng kể là 97% xã, phường trong toàn tỉnh đạt CQGVYT xã (giai đoạn 2001-2010), vượt chỉ tiêu kế hoạch đề ra (85%) và vượt cao so với tỷ lệ bình quân chung của cả nước (tỷ lệ trung bình của cả nước khoảng 60-70%), trên 90% xã, phường có bác sĩ. Với tiền đề vững chắc, ngành Y tế đặt ra mục tiêu đến cuối năm nay sẽ có 35% (64 xã, phường) đạt CQGVYT theo tiêu chí mới, tỷ lệ này sẽ được nâng lên 50% vào năm 2015 và 80% vào năm 2020. Để đạt mục tiêu, một mặt ngành Y tế đã tham mưu UBND tỉnh cho thực hiện lồng ghép Bộ tiêu chí CQGVYT mới vào Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh, mặt khác tăng cường đầu tư nguồn lực cho y tế xã. Bác sĩ Nguyễn Hữu Huyên, Trưởng phòng Kế hoạch-Nghiệp vụ, Sở Y tế cho biết, từ nguồn vốn 13 triệu USD của Tổ chức phi chính phủ Atlantic Philanthropies (Mỹ) hỗ trợ và vốn đối ứng của tỉnh để phát triển y tế cơ sở, hằng năm ngành Y tế đã đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho 20% số trạm y tế của tỉnh. Theo lộ trình, đến năm 2014 tất cả số trạm y tế xã, phường, thị trấn được sửa chữa, nâng cấp, xây dựng mới và được cung cấp các trang thiết bị y tế thiết yếu theo quy định của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, ngành cũng đã xây dựng chế độ hỗ trợ cán bộ y tế xã, đồng thời thực hiện đào tạo, nâng cao năng lực trình độ chuyên môn cho cán bộ y bác sĩ với mục tiêu 100% trạm y tế có bác sĩ vào năm 2015 (hiện tại tỷ lệ này là 91%)…

Có thể nói ngành Y tế đã rất nỗ lực nhưng việc thực hiện CQGVYT xã ở tỉnh ta vẫn có những khó khăn nhất định. Theo bác sĩ Nguyễn Phi Tiến, Giám đốc Sở Y tế, Bộ tiêu chí mới có đến 10 tiêu chí với 50 tiêu chuẩn cụ thể, trong đó có những tiêu chuẩn rất khắt khe: nhận thức của người dân về vấn đề chăm lo sức khỏe, nhận thức của xã hội, rồi các vấn đề liên quan đến yếu tố sức khỏe như vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe sinh sản, phối hợp trong cộng đồng… Đây là những tiêu chuẩn không dễ thực hiện ngay, nhất là trong điều kiện của tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc thiểu số, mặt bằng dân trí không đồng đều, khoảng cách vùng miền rõ rệt như Dak Lak. Bác sĩ Nguyễn Thúc Mai, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Ana cho rằng có những tiêu chí cần sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của các ban, ngành, đoàn thể và người dân mới có thể thực hiện được. Đơn cử như tiêu chí thứ 5 yêu cầu xã đạt CQGVYT phải có tỷ lệ người dân tham gia Bảo hiểm y tế các loại đạt 70% trở lên (giai đoạn 2011- 2015) và 80% trở lên (giai đoạn 2016-2020) thì nhiều xã dù đã đạt CQGVYT giai đoạn trước vẫn không đáp ứng được. Ngay như xã Ea Na, đặt mục tiêu đạt CQG mới trong năm nay hiện mới chỉ đạt 30% dân số có bảo hiểm y tế các loại. Xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) dù có nhiều điều kiện thuận lợi hơn vùng sâu vùng xa nhưng cũng gặp không ít vướng mắc trong quá trình triển khai. Y sĩ Nguyễn Thị Phượng, Trạm trưởng Trạm Y tế xã chia sẻ, năm 2008 xã đã được công nhận đạt CQGVYT theo tiêu chí của giai đoạn 2001-2010, nhưng theo Bộ tiêu chí mới thì vẫn còn một khoảng cách khá xa. Thậm chí, một số tiêu chí đang gặp nhiều khó khăn như: kế hoạch tài chính, vệ sinh môi trường, đông y, tỷ lệ dân số tham gia bảo hiểm y tế… mà chỉ riêng Trạm Y tế thì không đủ sức tháo gỡ. 

Trong tình hình hiện nay, tăng cường dịch vụ y tế tuyến cơ sở để giảm tải cho bệnh viện tuyến trên là một đòi hỏi bức thiết. Do đó, thực hiện CQGVYT xã theo tiêu chí mới, đưa dịch vụ y tế đến gần dân, thu hẹp khoảng cách giữa thành thị và nông thôn sẽ là động thái tích cực để giải quyết vấn đề. Song, trên thực tế với con số khoảng 17 % xã, phường toàn tỉnh đạt CQGVYT theo tiêu chí mới ở thời điểm này thì để hiện thực hóa những chỉ tiêu ngành Y tế đề ra trong xây dựng xã, phường đạt CQGVYT trong giai đoạn mới, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế, thiết nghĩ  cần có sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền, sự giúp sức của các ban, ngành, đoàn thể và nhân dân trên địa bàn.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.