Multimedia Đọc Báo in

Triển khai thực hiện Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế: Chỉ có ngành Y tế nỗ lực là chưa đủ

16:35, 15/06/2012

Để Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế (CTYT) được thực hiện hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế cần có sự vào cuộc nhanh, chủ động của các bộ, ngành liên quan và của chính quyền địa phương các cấp, đây là một trong những vấn đề cấp thiết được PGS.TS. Nguyễn Thanh Long,  Thứ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh tại Hội nghị triển khai Đề án tổng thể xử lý chất thải y tế giai đoạn 2011 - 2015 và định hướng đến năm 2020 do Bộ Y tế tổ chức mới đây.

Mục tiêu của Đề án đặt ra đến năm 2015 phấn đấu 100% các cơ sở y tế tuyến Trung ương, 70% các cơ sở y tế tuyến tỉnh, 50% các cơ sở y tế tuyến huyện và 100% các cơ sở y tế tư nhân thực hiện xử lý nước thải bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường; 30% các cơ sở y tế còn lại ở tuyến tỉnh, 50% các cơ sở y tế còn lại ở tuyến huyện và 100% các trạm y tế, nước thải nguy hại tại các cơ sở này được xử lý ban đầu trước khi thải ra môi trường. Đến năm 2020, phấn đấu 100% các cơ sở y tế ở các tuyến từ Trung ương đến địa phương thực hiện xử lý chất thải y tế bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường.

Đề án cũng nêu rõ, trong giai đoạn 2011 - 2015 cần hoàn thành tốt việc đầu tư xây dựng hệ thống xử lý chất thải y tế nhằm khắc phục cơ bản tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế ở Trung ương và địa phương; tăng cường năng lực quan trắc, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế làm cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch, từng bước khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường tại các cơ sở y tế; nghiên cứu khoa học về xử lý chất thải y tế; xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt các dự án, đề án về xử lý CTYT.

Vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333. Ảnh: K.O
Vận hành hệ thống xử lý nước thải y tế tại Bệnh viện Đa khoa khu vực 333. Ảnh: K.O

Tuy nhiên, hiện nay việc xử lý CTYT đang là vấn đề bức xúc. Theo thống kê của Cục Quản lý môi trường y tế, tính đến cuối năm 2011, cả nước có 13.511 cơ sở y tế, trong đó 1.361 cơ sở khám chữa bệnh... Theo đó, lượng CTYT mỗi ngày là 450 tấn chất thải rắn, trong đó có 47 tấn CTYT nguy hại và khoảng 125.000m3 chất thải lỏng. Dự báo đến năm 2015 lượng chất thải rắn nguy hại sẽ là 60 tấn mỗi ngày. Trên thực tế, có khoảng 95,6% lượng rác thải rắn y tế ở các cơ sở y tế đều được phân loại và khoảng 69,2% lượng rác thải rắn nguy hại được xử lý bằng lò đốt 2 buồng. Đặc biệt, hiện nay số BV có công nghệ xử lý chất thải rắn y tế nguy hại mới chỉ chiếm khoảng 30,8%...
 
Theo PGS.TS. Nguyễn Thanh Long, việc xử lý CTYT đang gặp rất nhiều khó khăn đặc biệt là công nghệ xử lý rác thải, hơn nữa hệ thống xử lý CTYT ở các BV đã xuống cấp hoặc quá tải cần được cải tạo và nâng cấp... Nhưng kinh phí đầu tư để xây dựng hệ thống rác thải chưa được quan tâm đúng mức. Còn Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nghiêm Vũ Khải nhìn nhận, việc xử lý chất thải chưa đạt yêu cầu là do đầu tư cho xử lý ô nhiễm môi trường y tế có hạn. Chính vì vậy, để thực hiện được mục tiêu này, nỗ lực của riêng ngành y tế thì chưa đủ, trong Quyết định của Thủ tướng cũng quy định rõ chức năng của các bộ, ngành liên quan, tuy nhiên phải có sự phối hợp chủ động, trách nhiệm từ các bên.

Xoay quanh vấn đề này, lãnh đạo sở y tế các địa phương đã đề xuất ý kiến Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường cùng tìm giải pháp chọn công nghệ nào để mỗi địa phương có chuẩn áp dụng. Bởi lẽ, với vai trò của Sở Y tế, việc “thẩm định” công nghệ nào là tốt, đạt hiệu quả cao lại không đúng chuyên môn... Bên cạnh đó, Bộ Tài chính, Bộ Y tế cần phối hợp xem xét phân loại đối tượng đơn vị theo kế hoạch từng năm ở cấp độ nào thì được hưởng ngân sách đầu tư, vì nhiều địa phương chi ngân sách cho y tế còn thấp chưa nói gì đến chi cho việc xử lý CTYT... Song để tạo được hiệu quả, vấn đề cốt lõi vẫn là tăng đầu tư cho y tế và y tế cần được sự đồng thuận chia sẻ của hệ thống chính trị ở cơ sở.

K.O (tổng hợp)
 


Ý kiến bạn đọc