Multimedia Đọc Báo in

Phòng bệnh tiêu chảy cấp

06:20, 17/07/2012

Tiêu chảy cấp là một bệnh khá nguy hiểm vì tính lây lan của nó rất cao. Bệnh lây truyền trực tiếp từ người mang mầm bệnh sang người lành qua đường phân, chân tay và miệng; hay từ những vật chủ trung gian như: ruồi, muỗi, gián, chuột,... đưa vi khuẩn đến thực phẩm, nước uống mang mầm bệnh; hoặc từ chất nôn, phân người bệnh thải ra môi trường gây nhiễm bẩn nguồn nước, thực phẩm đến người lành. Trẻ em và người lớn đều có thể bị nhiễm bệnh.

 Bệnh tiêu chảy cấp lây lan rất nhanh có thể làm cho nhiều người mắc bệnh cùng một lúc trong cùng một vùng, một địa phương và cùng một khoảng thời gian nếu cùng ăn, uống một loại thực phẩm, nước uống bị nhiễm khuẩn. Khi bị bệnh, bệnh nhân càng tiêu chảy nhiều lần trong ngày thì hiện tượng mất nước và mất chất điện giải ngày càng tăng làm cho bệnh nhân bị trụy tim mạch cấp tính, có thể dẫn đến tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Để phòng bệnh tiêu chảy cấp, cần thực hiện các biện pháp sau:

- Vệ sinh môi trường bằng việc thu gom chất thải, xử lý hố rác hợp vệ sinh sẽ làm khống chế sự phát triển của ruồi, muỗi, gián, chuột.

- Quản lý phân và chất thải của người lành và người bệnh phải hết sức chặt chẽ. Dùng Cloramin B, vôi bột để xử lý phân và chất nôn của người bệnh tiêu chảy; tuyệt đối không nôn mửa, tiêu tiện bừa bãi.

- Vệ sinh cá nhân: rửa tay bằng xà phòng và nước sạch nhiều lần trong ngày; nên rửa tay trước khi chế biến thức ăn, trước khi ăn, rửa tay sau khi đi vệ sinh và rửa tay sau khi chăm sóc người mắc bệnh tiêu chảy cấp.

- Vệ sinh trong ăn uống: không ăn các loại thức ăn chưa được nấu chín như rau sống, tiết canh, gỏi cá, nem chạo, nem chua, không uống nước lã,.... Tốt nhất là nên ăn thức ăn vừa được nấu chín, không ăn thức ăn để thời gian quá lâu mà không được bảo quản cẩn thận vì có thể ruồi, nhặng hoặc gián xâm nhập mang theo mầm bệnh. Không nên sử dụng nước ở ao hồ, sông, suối để nấu ăn, tắm, giặt. Dụng cụ dùng trong bữa ăn như chén, dĩa, đũa, muỗng,... sau khi rửa sạch bằng nước cần được nhúng qua nước đang đun sôi. Nếu nơi nào có nguy cơ xảy ra dịch bệnh thì việc làm này càng hết sức cần thiết. Điểm quan trọng trong vệ sinh ăn uống là không nên ăn thức ăn ngoài đường phố, quán xá không hợp vệ sinh; không có nước sạch để chế biến thức ăn; có nhiều ruồi, gián bám vào thức ăn…

 Liên Chi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.