Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa giun sán

08:38, 11/07/2012

Theo số liệu điều tra của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương, các bệnh giun truyền qua đất phân bố rộng rãi trong cả nước với khoảng 44,4% dân số Việt Nam bị nhiễm giun đũa, 23,1% nhiễm giun tóc và tỷ lệ nhiễm giun móc là 28,6%. Còn theo báo cáo năm 2011 của Trung tâm Phòng chống Sốt rét – Ký sinh trùng – Côn trùng tỉnh, tỷ lệ người dân nhiễm giun sán ở tỉnh ta là 45,23%, chủ yếu là nhiễm giun móc (chiếm 97%).

Nhiễm các bệnh giun sán gây nhiều tác hại thầm lặng và lâu dài, ảnh hưởng đến sức khỏe của mọi lứa tuổi, nhất là trẻ em và phụ nữ ở độ tuổi sinh sản. Giun đũa có thể gây tắc ruột, lồng ruột, thủng ruột, đôi khi giun có thể di chuyển lên ống mật, ruột thừa, thậm chí vào tim, gây nên những bệnh cảnh trầm trọng như: viêm ruột thừa, viêm ống mật, túi mật, cơ tim… Liên quan đến tập quán ăn uống và các yếu tố sinh thái, vệ sinh môi trường còn có các bệnh do sán gây ra (chủ yếu là sán lá gan, sán lá phổi, sán dây, ấu trùng sán lợn, giun xoắn...) cũng gây ra những ảnh hưởng lớn tới sức khỏe người bệnh như viêm gan, áp-xe gan, xơ gan, tắc mật, viêm đường mật, viêm tụy, ung thư gan.

Do bệnh giun sán diễn biến âm thầm nên thường phát hiện chậm. Mặc dù tác hại của các loại bệnh giun sán đối với sức khỏe của con người và đời sống của cộng đồng xã hội rất lớn nhưng thầm lặng, thường bị che lấp bởi nhiều bệnh cấp tính khác nên người bệnh không có nhu cầu cấp thiết phải chữa trị cũng như phòng bệnh.

Giun sán lây truyền chủ yếu qua đường ăn uống. Ăn các loại rau quả chưa được rửa sạch; ăn các loại thịt tái, ăn những thức ăn còn sống, uống nước lã. Đựng đồ ăn thức uống vào chén bát rửa chưa được sạch hoặc rửa bằng nguồn nước bẩn. Ngoài ra, giun sán cũng có thể lây truyền qua đường trung gian vào cơ thể. Trẻ chơi với chó, mèo, ngậm đồ chơi, tiếp xúc với đất và bụi bẩn,… ấu trùng giun sán xâm nhập qua đường tiêu hóa hoặc qua da vào cơ thể.

Khi bị nhiễm giun sán, cơ thể thường có những biểu hiện như gầy ốm, xanh xao, bụng to bè, trẻ chậm lớn, kém ăn hay buồn nôn, có khi nôn ra cả thức ăn, nôn ra giun kim; hay bị đau bụng vùng quanh rốn, rối loạn tiêu hóa, đi cầu phân lỏng; thường bị tức ngực, trẻ quấy khóc và lười vận động. Trẻ ngứa hậu môn, hay gãi hậu môn nhất là vào ban đêm.

Để phòng lây truyền giun sán:

Các bậc cha mẹ hãy là tấm gương về vệ sinh ăn ở sạch sẽ: Chú ý việc giáo dục vệ sinh bàn tay, vệ sinh ăn uống, vệ sinh phóng uế... để trẻ em có ý thức tự giác, thấy cần thiết phải rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh; nâng cao nhận thức về vấn đề vệ sinh, không ăn các loại thực phẩm tươi sống, chưa rửa sạch  hoặc chưa nấu chín, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Một vấn đề cũng cần được quan tâm là không nên mặc quần thủng đáy cho trẻ em, không phóng uế bừa bãi ra sân, vườn, hè phố...  Che đậy thức ăn cẩn thận, tránh để ruồi, chuột, gián… bò vào. Không nên sử dụng nguồn nước ô nhiễm để chế biến thức ăn, sinh hoạt hằng ngày (nước ao tù, nước sông suối,…). Thường xuyên lau rửa dụng cụ chứa nước, dụng cụ chứa nước nên có nắp đậy. Không phóng uế bừa bãi để tránh mầm bệnh lây lan vào môi trường. Dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, chuồng nuôi gia súc, gia cầm nên làm cách xa nhà. Không dùng phân chuồng chưa qua xử lý để tưới, bón rau quả. Luôn đi giày dép kể cả ở trong nhà. Nên cho trẻ uống thuốc tẩy giun 6 tháng một lần. Đối với trẻ đã được tẩy giun rồi mà vẫn gầy còm, xanh xao, kém ăn, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để kiểm tra lại xem có bị bệnh giun sán gì khác không hay trẻ bị các bệnh khác như: Còi xương, suy dinh dưỡng,…để chữa trị kịp thời.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc