Phát hiện sớm và phòng ngừa các biến chứng bệnh đái tháo đường
Theo một nghiên cứu gần đây của Bệnh viện Nội tiết Trung ương, Việt Nam có tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường tăng nhanh từ 2,7% (năm 2001) lên 6% (năm 2011); tỷ lệ này hiện vẫn tiếp tục có xu hướng tăng lên. Nguyên nhân chính là do chế độ dinh dưỡng không hợp lý, người ít vận động, thừa cân hoặc tinh thần luôn căng thẳng, mệt mỏi… Do đó, phát hiện sớm bệnh đái tháo đường có ý nghĩa quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng gây ra cho người bệnh.
Tại tỉnh ta, Chương trình can thiệp phòng bệnh đái tháo đường đã được Dự án phòng chống bệnh đái tháo đường triển khai tại một số huyện, thành phố từ năm 2010. Theo đó, năm 2010, chương trình đã tổ chức khám sàng lọc bệnh đái tháo đường tại 15 xã, thị trấn thuộc 4 huyện, thị xã, thành phố gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Pak và Cư M’gar với hơn 10.000 người, qua đó, phát hiện 4,18% người mắc bệnh đái tháo đường. Năm 2011, chương trình tiếp tục tiển khai tại 4 xã thuộc 2 huyện Cư Kuin và Krông Ana, tiến hành khám sàng lọc cho gần 3.000 người, trong số đó, cứ 100 người thì phát hiện gần 20 trường hợp có nguy cơ cao. Năm 2012, Dự án triển khai khám sàng lọc bệnh đái tháo đường cho hơn 2.660 người tại 3 xã, thị trấn là Khuê Ngọc Điền, Cư Kty và Krông Kmar (huyện Krông Bông), qua đó phát hiện 433 trường hợp tiền mắc bệnh và mắc bệnh đái tháo đường. Qua thống kê cho thấy, phần lớn, người mắc bệnh đái tháo đường có độ tuổi tuổi từ 50-70 tuổi, đã từng bị cao huyết áp, béo phì do ít vận động, có chế độ dinh dưỡng không hợp lý và gia đình thường có tiền sử là cha mẹ hoặc anh, chị, em ruột… mắc bệnh đái tháo đường.
Kiểm tra huyết áp cho người bệnh đái tháo đường tại Trạm Y tế xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột). |
Trong đợt điều tra lập bản đồ dịch tễ học đái tháo đường toàn quốc năm 2012, Bệnh viện Nội tiết Trung ương phối hợp với Khoa Nội tiết – Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đã tổ chức điều tra lập bản đồ dịch tễ học đái tháo đường tại 11 cụm xã thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố, gồm: TP. Buôn Ma Thuột, thị xã Buôn Hồ, huyện Buôn Đôn, Ea Súp, Krông Ana, Cư M’gar, Krông Pak, Krông Năng, Krông Bông và Ea H’leo. Qua đó, đã có gần 800 người được điều tra, và chọn 679 trường hợp ở các độ tuổi từ 30-39 tuổi, 40-49 tuổi, 50-59 tuổi và 60-69 tuổi. Kết quả điều tra cho thấy, 10% đối tượng có tiền nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường và 4,5% người mới mắc bệnh.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới, khoảng từ 90-95% trường hợp mắc bệnh đái tháo đường thường gặp ở những người trưởng thành, có độ tuổi từ 45 tuổi trở lên nếu gia đình có cha, mẹ, anh chị em ruột mắc bệnh đái tháo đường, bản thân có tiền sử tăng huyết áp và thừa cân hoặc béo phì… Bệnh đái tháo đường có hai tuýp 1 và 2. Bệnh đái tháo đường tuýp 1 thường gặp ở thanh thiếu niên và lứa tuổi dưới 30 tuổi với các biểu hiện như: luôn cảm thấy khát nước, mệt mỏi, sút cân đột ngột, đi tiểu nhiều. Ở trường hợp đái tháo đường tuýp 2, giai đoạn muộn có thể có các biểu hiện như đái tháo đường tuýp 1 hoặc có các biểu hiện khác như nhiễm trùng, đặc biệt là nhiễm trùng da, tiết niệu, các vết thương lâu lành. Nếu bệnh đái tháo đường không được phát hiện sớm hoặc người mắc bệnh đái tháo đường không được kiểm soát tốt, bệnh có thể gây ra nhiều biến chứng, như: biến chứng cấp tính gây hôn mê hạ đường máu; biến chứng tim mạch dẫn đến nhồi máu cơ tim, gây tai biến mạch máu não; biến chứng mắt gây giảm thị lực, có thể dẫn đến mù lòa; biến chứng thận gây suy thận, có thể phải chạy thận nhân tạo; biến chứng bàn chân: gây loét bàn chân và có thể dẫn đến cắt cụt chân.
Theo Thạc sĩ, bác sĩ Lương Quốc Hải, Phòng Chỉ đạo tuyến, Bệnh viện Nội tiết Trung ương: Bệnh đái tháo đường là bệnh không lây, tuy nhiên biến chứng của bệnh để lại khá nặng nề. Do vậy, nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm và ngăn ngừa các biến chứng do bệnh đái tháo đường. Nếu được phát hiện sớm có thể ngăn ngừa các biến chứng bằng cách can thiệp kịp thời các biện pháp điều trị thích hợp với từng giai đoạn bệnh.
Hương Xuân – Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc