Chăm sóc da trong mùa lạnh
Da bao bọc cơ thể, bảo đảm sự liên hệ của cơ thể với môi trường bên ngoài. Làn da của chúng ta có rất nhiều chức năng như che chở chống sự xâm nhập của các chất độc hại và vi khuẩn gây bệnh, bài tiết mồ hôi, điều tiết thân nhiệt qua hệ thống các mạch máu và thần kinh ở da…
Bình thường luôn có sự mất nước từ bên trong cơ thể qua da và sự mất nước càng tăng lên về mùa đông khi thời tiết trở nên hanh khô, hoặc ngồi trong phòng điều hòa… Mất nước nhiều, quá mức bình thường làm da khô, nứt nẻ; thể hiện ở nhiều mức độ: da thường ửng đỏ nhất là với những người có thói quen rửa mặt bằng nước nóng, có cảm giác da mặt dày hơn, căng, khi sờ thấy cảm giác cộm cộm, đôi khi da bị bong tróc các vẩy nhỏ như phấn, cám, hoặc mức độ nặng hơn thì da ở các kẽ móng tay, gót chân nứt nẻ gây chảy máu…
Phương pháp chăm sóc da:
Uống nhiều nước ngay cả khi không cảm thấy khát.
Đặc biệt quan tâm đến chế độ dinh dưỡng hợp lý. Nên ăn nhiều rau tươi và trái cây.
Rửa mặt nhẹ nhàng 2-3 lần/ngày bằng nước ấm; không rửa mặt và tắm bằng nước nóng quá lâu. Không nên rửa mặt bằng các loại sữa hoặc kem dưỡng da có nồng độ tẩy quá mạnh. Không nên sử dụng các loại mỹ phẩm làm sạch da có tính chất bào mòn da nó sẽ khiến da dễ bị kích thích hơn vào mùa lạnh.
Có thể dùng các loại củ, quả như: Củ đậu, cà chua, dưa chuột… để đắp lên mặt, kiên trì làm nhiều lần.
Không nên kì cọ quá mạnh, chà xát da bằng chanh, muối, khăn, xà phòng; không lấy bàn chải cọ lên da.
Giữ vệ sinh da sạch sẽ giúp giảm được mức độ ngứa ngáy, khó chịu do bị tác động của thời tiết.
Không nên sờ, gãi vùng da bị nứt nẻ, khó chịu như vậy sẽ càng kích thích khiến da sần, ngứa ngày càng lan rộng.
Mùa lạnh, ánh nắng mặt trời không gay gắt nhưng bức xạ mặt trời vẫn tác động mạnh đến da, vì vậy khi hoạt động ngoài trời cần đội mũ, nón, đeo khẩu trang vừa để tránh nắng, tránh gió.
Khi da bị ngứa, bong tróc hoặc cảm giác căng da gây khó chịu nếu cần bôi hay uống thuốc phải được sự hướng dẫn của bác sĩ, không nên tự ý mua thuốc về bôi hoặc uống.
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc