Multimedia Đọc Báo in

Nơi tình người lan tỏa

07:14, 14/02/2013

Chỉ có mối quan hệ duy nhất là thầy thuốc và bệnh nhân, nhưng mỗi ngày những người mang trong mình căn bệnh thế kỷ vẫn nhận được từ họ - các y bác sĩ ở Khoa tư vấn, chăm sóc và điều trị (Trung tâm phòng chống HIV/AIDS tỉnh) sự quan tâm, chăm sóc, sẻ chia như những người thân ruột thịt. Tình cảm ấy đã thắp lên niềm tin và hy vọng vào cuộc sống trong lòng những con người đã từng sống bất cần đời…

Khi sự sống được hồi sinh

Mới hơn 2 năm đi vào hoạt động nhưng Khoa tư vấn, chăm sóc và điều trị đã đón tiếp hàng trăm lượt người có nguy cơ và người nhiễm HIV/AIDS tìm đến để được tư vấn, xét nghiệm và điều trị. Khác với việc chăm sóc người bệnh của những chuyên khoa khác, ngoài việc thăm khám, cấp thuốc điều trị cho bệnh nhân, các y bác sĩ nơi đây còn có một nhiệm vụ là ghi nhớ hoàn cảnh của từng người để trò chuyện, sẻ chia mỗi lúc người bệnh cần. Đang tất bật chuẩn bị vật dụng y tế để thăm khám cho người bệnh, giọng bác sĩ Đào Thị Hảo bỗng chùng lại khi chia sẻ cho chúng tôi về tình cảnh của những người nhiễm HIV/AIDS đang điều trị tại khoa: “Trong số các bệnh nhân đến điều trị tại đây có không ít người bị gia đình ruồng bỏ, đối xử ghẻ lạnh. Nhiều người hụt hẫng không biết bám víu vào đâu nên sống bất cần đời và cũng có không ít người bất hợp tác với chúng tôi trong quá trình điều trị bệnh. Vì thế, để họ quay trở lại tái khám vào những lần sau, chúng tôi không chỉ đơn thuần làm công tác điều trị mà còn phải tìm cách trở thành những người bạn thực sự để giúp đỡ và vực họ bước ra khỏi sự buồn đau, tuyệt vọng. Bởi trên thực tế, nếu muốn những người nhiễm HIV/AIDS có thể sống lâu dài thì việc chỉ điều trị bằng y tế không thôi là chưa đủ mà điều quan trọng là họ cần được quan tâm chăm sóc cả về tinh thần. Đôi khi liều thuốc tinh thần còn có giá trị hơn cả thuốc giảm đau, kháng khuẩn…”. Rồi bác sĩ Hảo bắt đầu kể về những người bệnh của mình với từng chi tiết cụ thể như đang kể về những người thân trong gia đình. Trường hợp thứ nhất là bệnh nhân N.V.T, trú tại xã Ea Kly, huyện Krông Pak, anh biết tin mình nhiễm HIV trong lần đi chữa chứng bệnh áp se gan. Không chấp nhận được sự thật, anh suy sụp, sống khép mình không giao tiếp với mọi người và từ chối tất cả sự giúp đỡ của các y bác sĩ. Chưa đầy 2 tháng, từ một người cân nặng 59 kg, anh sụt liền 22 kg, người ốm yếu, xanh xao. Sau nhiều lần tiếp cận qua điện thoại, qua những lời động viên, khích lệ cũng như cung cấp các kiến thức về căn bệnh HIV/AIDS của bác sĩ Hảo và các đồng nghiệp, T. đã mở lòng và tìm đến Trung tâm điều trị. Nhiều tháng trôi qua, nhờ có tinh thần thoải mái, tuân thủ đúng phác đồ điều trị, giờ đây T. đã phục hồi sức khỏe và tiếp tục cuộc sống đầm ấm bên gia đình, vợ con. Hay như trường hợp của bệnh nhân H. ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột, chị tìm đến Khoa để nhờ làm xét nghiệm khi đang mang thai tháng thứ ba. Những buổi đầu, chị H. không hề để lộ thông tin nguồn lây bệnh mà chỉ nói dối quanh co. Sau đó, mỗi lần đến lấy thuốc, chị đều được các bác sĩ hỏi han ân cần và chỉ dẫn cách thức điều trị, thậm chí còn xin cả số điện thoại để gọi điện chia sẻ, động viên. Rồi một hôm, chị H. không còn giữ thái độ im lặng mà chủ động kể về hoàn cảnh éo le của mình. Những lần sau đó, chị đến Khoa đều đặn hơn không chỉ để lấy thuốc mà còn để được gặp những người “tri kỷ” san sẻ những ưu tư chất chứa trong lòng cùng những lời tư vấn giúp duy trì sức khỏe mẹ con chị tốt hơn…

Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS về cách phòng tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình
Tư vấn cho người nhiễm HIV/AIDS về cách phòng tránh lây nhiễm cho người thân trong gia đình

Câu chuyện giữa chúng tôi bị cắt ngang khi bên ngoài phòng khám có bệnh nhân tìm đến. Nhìn các y bác sĩ vừa thăm khám cho người bệnh vừa hàn huyên, trò chuyện cởi mở về những điều chẳng hề có trong y bạ, tôi cảm thấy giữa họ chẳng phải là thầy thuốc với bệnh nhân mà đang là những người bạn lâu ngày gặp lại. Và chúng tôi càng hiểu hơn về công việc chăm sóc những người nhiễm HIV/AIDS khi bệnh nhân Đ.T.K.H (xã Dak Wil, huyện Cư Jút, tỉnh Dak Nông) chia sẻ: “Sau khi vô tình đọc được tờ giấy ghi kết quả xét nghiệm HIV dương tính của chồng để quên trong túi quần, em mất ăn, mất ngủ, tâm trạng thì bấn loạn. Đắn đo lắm em mới dám tìm đến khoa này để làm xét nghiệm HIV. Khi cầm trên tay tờ giấy với kết quả không như mong muốn em càng thấy hụt hẫng và chỉ muốn chết đi cho xong. May sao những ngày đen tối ấy đã qua đi, em như hồi sinh khi nhận được sự quan tâm, chia sẻ của các y bác sĩ mà nói đúng hơn là những người anh, người chị . Sự động viên của họ đã giúp em lấy lại can đảm, yên tâm điều trị để duy trì sức khỏe lo cho đứa con thơ chưa đầy 3 tuổi…”.

Nhờ những đóng góp thầm lặng của các y bác sĩ ở Khoa tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS, đến nay nhiều người nhiễm HIV/AIDS không chỉ được kéo dài thêm sự sống mà còn được chữa lành vết thương tinh thần để quay trở lại cộng đồng, trở về với sự sống đúng nghĩa và tìm cho mình một công việc phù hợp với sức khỏe. Đặc biệt, không ít người trong số ấy còn chọn cho mình cách sống có ích cho xã hội bằng việc trở thành những đồng đẳng viên tuyên truyền về HIV/AIDS.

Tấm lòng người thầy thuốc

Vẫn biết chăm sóc, điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS là công việc đầy khó khăn, vất vả, đòi hỏi người thầy thuốc phải có tấm lòng trắc ẩn và biết yêu thương, nhưng nhiều lúc các bác sĩ ở đây vẫn phải chịu sự kỳ thị từ chính người thân, bạn bè và những người xung quanh. Có lẽ, với họ, chuyện nhiều người không muốn bắt tay, không muốn lại gần cũng là điều không lấy gì làm khó hiểu. Bởi theo bác sĩ Chu Đức Thảo, trưởng Khoa tư vấn, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS thì ngay cả những nhân viên khi mới về đây cũng còn tỏ ra ái ngại, sợ lây bệnh thì nói gì đến những người ngoài xã hội chưa nắm bắt đầy đủ các thông tin về HIV/AIDS.

Bác sĩ Đào Thị Hảo đang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân
Bác sĩ Đào Thị Hảo đang kiểm tra sức khỏe cho một bệnh nhân

Không chỉ bị mọi người xung quanh dị nghị, các y, bác sĩ ở đây còn thường xuyên phải đối mặt với nguy cơ phơi nhiễm HIV vì tai nạn rủi ro nghề nghiệp. Đôi khi chỉ là một mũi tiêm không chuẩn do người bệnh bất hợp tác hoặc có thể là máu, dịch sinh học hay những căn bệnh lao, viêm gan… của người nhiễm cũng làm cho họ đối mặt với vô vàn nguy cơ. Song tất cả những điều ấy vẫn chẳng thể khiến cho các y bác sĩ nơi đây từ bỏ công việc, ngày ngày họ vẫn hết lòng với bệnh nhân chỉ bởi một chữ “tâm”. Chia sẻ về điều này, bác sĩ Đào Thị Hảo cho biết: “Thực ra, những khó khăn mà chúng tôi đang phải đối mặt chỉ là một phần rất nhỏ so với những nỗi đau, sự kỳ thị mà người bệnh đang phải gánh chịu. Chính vì thế, những lúc thấy tâm trạng không thoải mái, anh em cán bộ y bác sĩ chúng tôi lại chia sẻ, động viên lẫn nhau để có thêm nghị lực vượt lên khó khăn, cố gắng làm việc với tất cả lương tâm và trách nhiệm để giúp người bệnh trở về với cuộc sống, hòa nhập với cộng đồng…”. Còn với bác sĩ Chu Đức Thảo, khó khăn lớn nhất đối với anh không phải là nguy cơ phơi nhiễm hay những lời dị nghị mà là khi người bệnh bất hợp tác, không coi bác sĩ là những người bạn tin cậy để gửi gắm niềm tin, điều trị kéo dài cuộc sống. Do vậy, anh luôn mong những người bệnh đã từng điều trị tại khoa hãy tuyên truyền rộng rãi đến những người đồng cảnh ngộ về cơ sở điều trị HIV để họ biết và đến điều trị trước khi quá muộn; hay khi gặp bất cứ vấn đề gì liên quan đến HIV, người bệnh ở xa có thể gọi điện cho các cán bộ y bác sĩ của khoa bất cứ lúc nào để nhận được tư vấn kịp thời. Chia sẻ của bác sĩ Thảo đã giúp chúng tôi giải đáp thắc mắc vì sao điện thoại của các y bác sĩ nơi đây luôn mở kể cả lúc đêm khuya lẫn những ngày cuối tuần hiếm hoi bên gia đình. 

Một ngày ở Khoa tư vấn, chăm sóc và điều trị cho người nhiễm HIV/AIDS, chúng tôi đã được nghe, được thấy và cảm nhận những câu chuyện cảm động đến rơi nước mắt về tình người, tình đời. Ở nơi đây, chúng tôi như thấy lòng mình ấm lại vì vẫn có những con người đang ngày đêm thầm lặng giúp hồi sinh niềm tin, cuộc sống của những người nhiễm căn bệnh thế kỷ.

Kim Oanh

 

 

 


Ý kiến bạn đọc