Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa triệu chứng gai cột sống

14:06, 03/07/2013

Gai cột sống là tình trạng có sự phát triển thêm ra của xương trên thân đốt sống, đĩa sụn hay dây chằng quanh khớp. Gai cột sống không phải là một bệnh mà là một triệu chứng, là một hình ảnh trên phim X quang cột sống của nhiều bệnh khác nhau. Khi bị gai cột sống người bệnh thường xuyên bị đau nhức gây ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng công việc.

Nguyên nhân tạo ra gai cột sống: Có 3 nguyên nhân chính như thoái hóa cột sống nguyên phát ở người lớn tuổi, viêm khớp cột sống mãn tính, chấn thương cột sống. Ngoài ra, còn có một số nguyên nhân khác như: tăng cân do béo phì, loãng xương, mãn kinh …

Gai cột sống có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng nhiều nhất là ở người trên 60 tuổi; nam gặp nhiều hơn nữ.

Biểu hiện khi bị gai cột sống:

Đa số các trường hợp gai cột sống không gây ra biểu hiện gì. Một số ít trường hợp gai cột sống có các biểu hiện sau:

- Đau ở vùng cổ lan xuống vai, nếu là gai cột sống cổ.

- Đau ở vùng thắt lưng, nếu là gai cột sống thắt lưng.

- Ngoài ra, đôi khi gai cột sống còn chèn ép vào thần kinh nên bệnh nhân có các triệu chứng về thần kinh như: tê bì từ cổ gáy xuống vai, xuống cánh tay hoặc đau nhức tê bì từ vùng thắt lưng xuống đùi, xuống cẳng chân rồi xuống bàn chân, mất cảm giác tay hoặc chân, rối loạn đại tiểu tiện.

Thông thường gai cột sống xuất hiện ở phía trước hoặc bên của đốt sống, nên gai cột sống hầu như không cọ sát với rễ dây thần kinh ở phía sau. Tuy nhiên, trong một số trường hợp rất hiếm có thể xảy ra gai cột sống bị gãy, mảnh gãy đè vào thần kinh gây ra các triệu chứng thần kinh như: tê bì hoặc mất cảm giác một tay, một chân hoặc rối loạn đại tiểu tiện

Để phòng ngừa gai cột sống: cần ăn uống đầy đủ và cân đối các chất dinh dưỡng cho cơ thể. Giảm cân nếu béo phì để giảm chịu lực của cột sống. Thường xuyên tập thể dục để cho xương chắc khỏe, đặc biệt là các động tác cử động vùng cột sống cổ và vùng cột sống thắt lưng. Cần cho da tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để tổng hợp vitamin D nhằm giúp hấp thu và chuyển hóa can xi trong cơ thể tốt hơn. Tránh các tư thế đứng, ngồi xấu như: ngồi hoặc đứng vẹo một bên… Tránh khiêng vác nặng, gây ảnh hưởng đến cột sống thắt lưng, tránh đội những vật nặng trên đầu gây ảnh hưởng cột sống cổ. Tránh các chấn thương ở vùng cột sống do chơi thể thao hoặc tai nạn.

Điều trị:

Nếu gai cột sống không gây đau: Không cần phải điều trị gì đặc biệt mà thực hiện như trường hợp phòng ngừa gai cột sống.

Nếu gai cột sống gây ra đau người bệnh nên nghỉ ngơi và dùng thuốc chống đau, giảm viêm tùy chỉ định của bác sĩ, dùng thuốc giãn cơ vân. Có thể dùng một số thuốc hỗ trợ khác như các nhóm giảm thoái hóa khớp… hoặc châm cứu, chiếu đèn hồng ngoại.

Nếu gai cột sống chèn ép hệ thần kinh: Phẫu thuật cắt bỏ gai cột sống theo chỉ định của bác sĩ. Tuy nhiên, trong trường hợp này phẫu thuật chỉ nhằm để giải quyết vấn đề chèn ép dây thần kinh hoặc tủy sống chứ sau đó gai cột sống có thể mọc lại.

Khi nghi ngờ bị bệnh gai cột sống, tốt nhất người bệnh nên đến khám tại các cơ sở y tế có uy tín để được các bác sĩ chuyên khoa hướng dẫn điều trị một cách chi tiết.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc