Multimedia Đọc Báo in

Phòng tránh bệnh nghề nghiệp

11:22, 28/03/2014
Trước đây bệnh nghề nghiệp được định nghĩa là bệnh đặc trưng của một nghề, do yếu tố độc hại trong nghề đó tác động thường xuyên và từ từ vào cơ thể người lao động và gây nên bệnh.
 
Theo Thông tư 19/2011/TT – BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn quản lý vệ sinh lao động, sức khỏe người lao động và bệnh nghề nghiệp: Bệnh nghề nghiệp là bệnh phát sinh do điều kiện lao động có hại của nghề nghiệp tác động đến người lao động.

Hiện nay nước ta có 28 bệnh nghề nghiệp và chia thành 5 nhóm được đưa vào danh mục bệnh nghề nghiệp được bảo hiểm:

Nhóm 1: Các bệnh bụi phổi và phế quản (bụi phổi do nhiễm bụi Silic, bụi phổi do nhiễm bụi Amiăng, bụi phổi do nhiễm bụi bông, viêm phế quản mạn tính nghề nghiệp, hen phế quản nghề nghiệp).

Nhóm 2 : Các bệnh nhiễm độc nghề nghiệp (nhiễm độc chì và các hợp chất chì; nhiễm độc Benzen và các đồng đẳng của Benzen, nhiễm độc thủy ngân và các hợp chất của thủy ngân; nhiễm độc Mangan và các hợp chất của Mangan; nhiễm độc Asen và các chất Asen nghề nghiệp; nhiễm độc Nicotin; nhiễm độc hóa chất trừ sâu, nhiễm độc Cacbonmonoxit).

Nhóm 3: Các bệnh nghề nghiệp do yếu tố vật lý (bệnh do quang tuyến X và các chất phóng xạ; bệnh do tiếng ồn; bệnh rung chuyển nghề nghiệp; bệnh giảm áp nghề nghiệp).

Nhóm 4: Các bệnh da nghề nghiệp (bệnh sạm da; bệnh loét da, loét vách ngăn mũi, viêm da, chàm do tiếp xúc; bệnh nốt dầu nghề nghiệp; bệnh viêm loét da viêm móng và xung quanh móng nghề nghiệp).

Nhóm 5: Các bệnh nhiễm khuẩn nghề nghiệp (bệnh lao nghề nghiệp; bệnh viêm gan do vi rút nghề nghiệp; bệnh do Leptospira nghề nghiệp).

Năm 2011 có ba bệnh mới được bổ sung là bệnh nhiễm độc nghề nghiệp do Cadimi, bệnh HIV/AIDS nghề nghiệp, bệnh rung chuyển toàn thân nghề nghiệp.

Tiêu chuẩn để xác định bệnh nghề nghiệp là bệnh “phát sinh do điều kiện lao động có hại”. Tức là phải có yếu tố tiếp xúc với các yếu tố tác hại nghề nghiệp, khác với các bệnh thông thường trong cộng đồng. Người làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh theo đúng quy định của Bộ Y tế. Việc khám bệnh nghề nghiệp do đơn vị y tế chuyên khoa vệ sinh lao động từ cấp tỉnh, thành phố, ngành trở lên thực hiện. Người bị bệnh nghề nghiệp phải được Hội đồng Giám định y khoa tỉnh xác định mức độ suy giảm khả năng lao động và phải được sắp xếp công việc phù hợp với sức khỏe. Người mắc bệnh nghề nghiệp phải được điều trị theo đúng chuyên khoa, được nghỉ dưỡng và kiểm tra sức khỏe 6 tháng một lần, có hồ sơ riêng theo quy định của Bộ Y tế và được lưu giữ suốt đời.

Để phòng bệnh nghề nghiệp cho người lao động, người sử dụng lao động cần trang bị thiết bị bảo hộ lao động và vệ sinh lao động, tạo điều kiện để người lao động được làm việc trong điều kiện bảo đảm vệ sinh, không có các yếu tố độc hại, nguy hiểm (sử dụng công nghệ, vật liệu sản xuất sạch, an toàn) hoặc sử dụng các biện pháp kỹ thuật như cách ly nguồn độc hại (che chắn bụi, tiếng ồn, sóng vật lý...), tổ chức khám sức khỏe khi tuyển dụng để bố trí công việc phù hợp và khám sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm bệnh nghề nghiệp để điều trị kịp thời. Quan trọng hơn người lao động cần có ý thức phòng bệnh cho chính mình, không chủ quan, lơ là, ngại sử dụng các trang thiết bị bảo hộ lao động trong quá trình làm việc.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc