Multimedia Đọc Báo in

Vì sao người cận nghèo thờ ơ với bảo hiểm y tế?

08:51, 26/03/2014

Người cận nghèo là một trong những đối tượng được Nhà nước hỗ trợ về bảo hiểm y tế (BHYT) để bảo đảm an sinh xã hội, giúp họ giảm bớt gánh nặng điều trị khi ốm đau, bệnh tật. Thế nhưng trên thực tế, dù chỉ phải đóng góp 30% khi tham gia BHYT vẫn còn không ít người thuộc hộ cận nghèo thờ ơ với loại hình bảo hiểm này.

Trong lần đi khám bệnh gần đây, bà  N.T.P (xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột)  được bác sĩ cho biết mắc phải căn bệnh rối loạn dẫn truyền trong tim và cần được đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn để duy trì sự sống. Với gia đình bà P., cái tin ấy là điều không ai mong muốn, song điều khiến gia đình bà lo lắng hơn khi biết rằng chi phí cho một ca đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn lên đến gần 100 triệu đồng, số tiền vượt quá khả năng của một gia đình thuộc hộ cận nghèo như gia đình bà. Trong cái rủi lại có cái may, nhờ gia đình bà có tham gia BHYT nên phần lớn chi phí đặt máy tạo nhịp tim vĩnh viễn đều được BHYT thanh toán, bản thân bà P. chỉ phải đóng góp một phần nhỏ. Thấy mẹ khỏe mạnh trở lại sau đợt điều trị, anh con trai của bà P. vui mừng: “May mà trước đó gia đình tôi cố gắng dành một khoản tiền mua thẻ BHYT cho mọi người trong nhà để phòng khi ốm đau nên mọi việc diễn ra thuận lợi, nếu không có BHYT người có hoàn cảnh khó khăn như chúng tôi chẳng biết lấy đâu ra tiền chữa bệnh, nhất là với căn bệnh đòi hỏi chi phí lớn như bệnh của mẹ tôi…”. Không chỉ riêng gia đình bà P. mà với nhiều bệnh nhân nghèo có thẻ BHYT đang điều trị tại các cơ sở y tế, thì chính sách BHYT đã thể hiện tính nhân đạo và chia sẻ cộng đồng sâu sắc. Dẫu vậy, không phải người thuộc hộ cận nghèo nào cũng nhận thức được tầm quan trọng của chính sách ấy nên nhiều trường hợp, dù đã được các cán bộ bảo hiểm tuyên truyền, nhưng vẫn không mặn mà tham gia BHYT.

Nhiều người cận nghèo tham gia BHYT đã tiết kiệm được thanh toán chi phí khi điều trị các bệnh phải sử dụng kỹ thuật cao. (Trong ảnh: nội soi vòm họng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột)
Nhiều người cận nghèo tham gia BHYT đã tiết kiệm được thanh toán chi phí khi điều trị các bệnh phải sử dụng kỹ thuật cao. (Trong ảnh: nội soi vòm họng cho bệnh nhân tại Bệnh viện Đa khoa TP. Buôn Ma Thuột)

Theo số liệu của Bảo hiểm xã hội tỉnh: năm 2013 toàn tỉnh có khoảng 7.000 người cận nghèo tham gia BHYT, chiếm gần 10% trong tổng số người cận nghèo của tỉnh. Mặc dù con số này còn thấp so với nhu cầu thực sự của đối tượng cận nghèo, nhưng qua đó cho thấy BHYT đã phần nào giúp người dân dần tiếp cận tới các dịch vụ chăm sóc sức khỏe có chất lượng. Có thể thấy, hiệu quả chính sách BHYT mang lại đối với người cận nghèo rất rõ ràng, nhưng lại chưa thu hút được nhiều người cận nghèo tham gia. Lý giải về vấn đề này, ông Lê Xuân Khánh, Trưởng phòng thu, Bảo hiểm xã hội tỉnh cho rằng: Trong việc huy động người cận nghèo nói riêng và người dân nói chung tham gia BHYT thì công tác tuyên truyền là quan trọng bậc nhất. Ngoài việc tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, công tác truyền thông trực tiếp đến đối tượng của Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ yếu được thực hiện thông qua hệ thống đại lý BHYT (là những người được các xã, phường giới thiệu và được tập huấn các kỹ năng và thủ tục, trình tự cấp giấy chứng nhận, cấp thẻ hoạt động). Tuy nhiên, nhìn nhận một cách khách quan, công tác tuyên truyền của đội ngũ đại lý BHYT hiện vẫn chưa thực sự tạo được hiệu quả, bởi với tỷ lệ trung bình mỗi xã, phường chỉ có một đại lý thì hệ thống này chưa đủ mạnh; chưa kể năng lực của các đại lý chưa đồng đều. Thực ra, nếu một đại lý tâm huyết khi bán thẻ BHYT cho người dân phải theo dõi đến kỳ nào thẻ hết hạn và trước khi hết hạn thì phải đến tận nhà tuyên truyền, vận động họ tiếp tục tham gia mua thẻ. Thế nhưng, đội ngũ đại lý của Bảo hiểm xã hội tỉnh chưa làm được điều này, đa số chỉ ngồi chờ người dân đến mua thì bán…

Cũng theo ông Khánh, nhiều người vẫn biết đây là chính sách ưu tiên của Đảng, Nhà nước dành cho họ, nhưng do điều kiện kinh tế quá khó khăn nên họ không thể tham gia BHYT, mặc dù chỉ phải đóng 30% so với giá thẻ. Với không ít người, trong điều kiện khó khăn, số tiền mua BHYT sẽ dành sử dụng vào những việc khác cần thiết hơn; chỉ đến khi thực sự ốm đau người ta mới nghĩ đến việc tham gia BHYT để được hưởng quyền lợi. Quả thực, theo quy định chuẩn hộ nghèo, cận nghèo mới áp dụng cho giai đoạn 2011-2015 thì hộ nghèo ở nông thôn là những hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/ tháng trở xuống; hộ nghèo ở thành thị có mức thu nhập bình quân từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 401.000-520.000 đồng/người/ tháng; hộ cận nghèo ở thành thị thì mức thu nhập bình quân từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Nhìn trên bình diện chung, rõ ràng khoảng cách thu nhập giữa người nghèo và cận nghèo không chênh lệch là mấy, vì chỉ cần một thành viên trong hộ cận nghèo đau ốm hay gặp hoàn cảnh rủi ro, hoạn nạn thì có thể sẽ trở thành hộ nghèo. Thế nhưng nếu là đối tượng thuộc hộ nghèo thì được Nhà nước hỗ trợ 100% chi phí mua bảo hiểm y tế, còn người thuộc hộ cận nghèo chỉ được hỗ trợ 70%. Cũng chính vì nguyên nhân này mà mới đây, tại Hội nghị góp ý cho Luật sửa đổi một số điều của Luật Bảo hiểm Y tế của tỉnh, Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Phạm Hùng Sơn đã kiến nghị tăng mức hỗ trợ của Nhà nước về BHYT cho đối tượng cận nghèo để người cận nghèo mặn mà hơn với BHYT. Thiết nghĩ, để làm tăng tỷ lệ người cận nghèo tham gia BHYT, trong khi chờ đợi sự thay đổi của chính sách vĩ mô, các ngành chức năng trong tỉnh cần chú trọng công tác tuyên truyền, vận động hướng đến tính hiệu quả. Đồng thời, chính quyền cơ sở cũng cần phải vào cuộc một cách có trách nhiệm hơn thì người cận nghèo mới không còn thờ ơ với chính “chiếc phao cứu sinh” khi ốm đau của mình.

Khánh Duy


Ý kiến bạn đọc