Cần phát hiện và điều trị sớm bệnh glôcôm để tránh mù lòa
Bệnh glôcôm là một bệnh nguy hiểm, thường gặp trong nhãn khoa. Bệnh ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng vì là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây mù lòa vĩnh viễn nếu không được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Glôcôm đứng thứ hai trong các nguyên nhân gây mù ở hầu hết các khu vực trên thế giới, thường chỉ đứng sau đục thể thủy tinh.
Bình thường trong mắt luôn có sự cân bằng giữa lượng dịch (thủy dịch) được tiết ra từ thể mi và lượng dịch được dẫn lưu ra ngoài qua một bộ phận gọi là vùng bè. Khi đường dẫn lưu ra ngoài bị cản trở sẽ gây ra tăng áp lực trong mắt và gây tổn hại lên dây thần kinh thị giác, gây ra bệnh glôcôm. Những người trên 40 tuổi, tiền sử gia đình có người bị glôcôm, viễn thị cao, góc tiền phòng hẹp là những người có nguy cơ dễ mắc bệnh glôcôm. Khác với những nguyên nhân gây mù do lão hóa, bệnh glôcôm dẫn đến mù lòa có thể gặp ở bất cứ lứa tuổi nào, với nhiều nguyên nhân khác nhau. Trong đó, đáng lo ngại nhất vẫn là nguyên nhân do sự lạm dụng thuốc của bệnh nhân. Đặc biệt là ở các nước đang phát triển như Việt Nam, việc tự ý dùng thuốc không có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa rất dễ đưa đến bệnh glôcôm. Ví dụ như tự ý tra thuốc có chứa corticoid kéo dài (ticoldex, dexacol, decordex, colydexa) để chữa các bệnh ngứa mắt, xốn mắt…
Biểu hiện của bệnh glôcôm có 2 dạng: glôcôm góc đóng và glôcôm góc mở. Bệnh glôcôm góc đóng: Khởi phát đột ngột, đột nhiên bệnh nhân thấy đau nhức mắt, nhức hố xung quanh mắt, nhức lan lên nửa đầu cùng bên; kèm theo nhìn thấy mờ nhiều, nhìn đèn có quầng xanh đỏ, đôi khi thấy sợ ánh sáng, chảy nước mắt, nhưng không có gèn ở mắt. Ở một số người còn kèm theo một số triệu chứng như: buồn nôn, đau bụng, vã mồ hôi…
Bệnh glôcôm góc mở: Bệnh biểu hiện rất âm thầm, đôi khi bệnh nhân phát hiện được do tình cờ bịt một mắt và mắt kia không nhìn thấy gì, thỉnh thoảng có những cơn đau nhức nhẹ ở mắt, nhức trên cung lông mày, nhìn mờ như qua màn sương, nhìn đèn có quầng xanh đỏ. Tuy nhiên, có rất nhiều bệnh nhân chỉ có dấu hiệu nhìn mờ.
Để điều trị thì thuốc là lựa chọn đầu tiên để hạ nhãn áp trong giai đoạn glôcôm sớm. Phương pháp thứ hai là sử dụng tia laser. Nếu điều trị thuốc và laser không điều chỉnh hạ nhãn áp được, lúc đó sẽ áp dụng phương pháp điều trị phẫu thuật để kiểm soát nhãn áp.
Các thuốc điều trị glôcôm sẽ làm giảm việc sản xuất thủy dịch trong mắt hoặc tăng khả năng thoát dịch ra ngoài mắt. Thuốc điều trị có thể ảnh hưởng đến toàn cơ thể, nếu có phản ứng, bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ. Với những trường hợp cần phẫu thuật sẽ được bác sĩ chuyên khoa phân loại bệnh và lựa chọn phương pháp điều trị thích hợp.
Bệnh glôcôm là bệnh gây mù khó chữa khỏi nhưng có thể phòng tránh mù do glôcôm bằng cách phát hiện sớm, điều trị đúng và theo dõi thường xuyên. Những người được chẩn đoán mắc bệnh glôcôm cần tuân thủ nghiêm ngặt chỉ định điều trị cũng như việc đi khám thường xuyên. Khi có những biểu hiện như: đau nhức mắt, đau lan trên đầu cùng bên, có thể gây buồn nôn hoặc nôn, nhìn mờ, quầng xanh đỏ… cần đến ngay cơ sở chuyên khoa mắt để có phương pháp điều trị kịp thời.
Không tự ý sử dụng thuốc nhỏ mắt, thuốc có chứa thành phần corticoid khi không có sự chỉ định của bác sĩ. Nếu được bác sĩ chẩn đoán bệnh glôcôm cần phải được theo dõi thường xuyên. Bệnh glôcôm thường làm giảm thị lực, thậm chí dẫn đến mù lòa không hồi phục ở giai đoạn muộn, vì vậy được chẩn đoán và điều trị càng sớm sẽ tránh được mù lòa.
Võ Quỳnh
Ý kiến bạn đọc