Multimedia Đọc Báo in

Những lợi ích của việc nuôi con bằng sữa mẹ

08:56, 30/07/2014
Hiện nay trên thị trường bán rất nhiều loại sữa dành cho trẻ nhỏ nhưng bất cứ quảng cáo sữa nào cũng đều phải khẳng định sữa mẹ là thức ăn tốt nhất đối với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ.

Sữa mẹ có lợi ích gì đối với trẻ?

Theo các nhà chuyên môn, các bà mẹ nên cho con bú ngay trong vòng 1 giờ đầu sau khi sinh, càng sớm càng tốt để trẻ được bú sữa non. Sữa non rất giàu chất đạm, vitamin và một số khoáng chất giúp trẻ có sức đề kháng chống lại bệnh tật. Trong sữa mẹ có đầy đủ các chất dinh dưỡng tối ưu để trẻ phát triển và thích hợp với hệ tiêu hóa của trẻ, nhất là trong 6 tháng đầu. Tỷ lệ đạm, mỡ, đường trong sữa mẹ cân đối nên trẻ dễ hấp thu; tỷ lệ canxi, phốt pho và chất sắt trong sữa mẹ phù hợp với hệ tiêu hóa của trẻ nên trẻ bú mẹ ít bị còi xương và thiếu máu. Sữa mẹ giàu vitamin A sẽ hạn chế được bệnh thiếu vitamin A và khô mắt khi trẻ bú sữa mẹ; sữa mẹ giàu immuno globulin (kháng thể) giúp trẻ có sức đề kháng tốt với nhiễm khuẩn và ít bị dị ứng như bệnh tiêu chảy; sữa mẹ luôn ở nhiệt độ 370C thích hợp với thân nhiệt của trẻ. Vì vậy, theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nên cho trẻ bú sữa mẹ hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu mà không cần cho trẻ ăn thêm bất kỳ loại thức ăn, nước uống nào khác. Đối với những trẻ sinh thiếu tháng được nuôi bằng sữa mẹ sẽ phát triển tốt hơn những trẻ được nuôi bằng sữa ngoài. Trẻ bú sữa mẹ ít bị suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì.

Sữa mẹ là thức ăn tốt nhất ngay cả khi người mẹ có thai, có kinh nguyệt hay gầy yếu.

Khi cho trẻ bú, có giúp ích gì cho người mẹ?

Ngoài những lợi ích thiết thực đối với sự phát triển thể chất của trẻ việc cho trẻ bú sữa mẹ sớm và bú hoàn toàn trong vòng 6 tháng đầu còn đem lại nhiều lợi ích cho sức khỏe của bà mẹ: Khi cho trẻ bú sẽ giúp tử cung của người mẹ co hồi tốt và cầm máu sau sinh nhanh hơn. Việc nuôi trẻ bằng sữa mẹ cũng sẽ giúp các bà mẹ nhanh chóng lấy lại vóc dáng nhờ trẻ tiêu thụ tích cực nguồn năng lượng mà bà mẹ dự trữ khi mang thai; trẻ bú mẹ thường xuyên giúp bài tiết sữa đều, không bị căng tức vú, tránh bị tắc sữa gây áp xe vú và giảm nguy cơ ung thư vú, buồng trứng. Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn còn hạn chế quá trình rụng trứng, tạo thuận lợi tốt cho việc KHHGĐ.

Nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn còn là cơ sở thuận lợi để duy trì cho trẻ bú mẹ kéo dài đến hai năm hoặc lâu hơn; đồng thời làm tăng tình cảm mẹ con.

Bên cạnh những lợi ích thiết thực đối với sức khỏe của bà mẹ và trẻ nhỏ, nuôi con bằng sữa mẹ còn tiết kiệm được một khoản tiền lớn dành cho mua sữa, các loại thực phẩm cũng như dụng cụ pha sữa, chế biến thực phẩm cho trẻ; tiết kiệm thời gian lựa chọn sữa, thực phẩm, thời gian chế biến thực phẩm… người mẹ có thời gian nghỉ ngơi và làm việc.

Khi cho trẻ bú các bà mẹ cần chú ý:

- Đối với trẻ: Nằm tư thế thoải mái đầu cao, miệng ngậm hết quầng vú mẹ và cằm trẻ áp sát vào bầu vú. Trẻ được thư giãn và thoải mái; nếu trẻ không bú được cần vắt sữa, cho trẻ ăn bằng thìa hoặc cốc thật sạch (thìa và cốc phải được luộc qua nước sôi). Khi trẻ bị bệnh vẫn tiếp tục cho trẻ bú sữa mẹ và cho trẻ bú nhiều lần hơn bình thường.

- Đối với mẹ: không nhìn thấy còn quầng thâm của vú; cảm thấy trẻ bú chậm, sâu, có nghỉ; không thấy đau; cho trẻ bú theo nhu cầu; trẻ bú hết sữa bên này mới chuyển sang bên kia; không dứt vú khi trẻ chưa muốn thôi bú; nếu đầu vú người mẹ cương đau hay trẻ khó bú những ngày đầu cũng phải cố gắng cho trẻ bú.

Hồng Vân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.