Multimedia Đọc Báo in

Thắp sáng niềm hy vọng

09:41, 29/05/2015

Bên hành lang bệnh viện, những đứa trẻ tật nguyền vẫn bi bô nói cười hồn nhiên, còn cha mẹ chúng vừa nựng con, vừa hướng mắt vào phòng khám của các chuyên gia đến từ Thụy Sĩ chờ đợi gọi tên, trong lòng ngập tràn hy vọng…

Trong cái nắng oi ả của mùa hè, vợ chồng chị Trần Thị Thảo (thôn 2, xã Ea Khanh, huyện Ea H’leo) lặn lội vượt quãng đường hơn 80 km đưa cậu con trai Nguyễn Trần Tuấn Anh (4 tuổi) lên Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh (TP. Buôn Ma Thuột) để khám sàng lọc dị tật vận động miễn phí theo chương trình do Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh và Tổ chức phi chính phủ Children Action tổ chức vào trung tuần tháng 5 vừa qua. Chị Thảo cho biết: “Từ khi sinh ra đến nay, cháu chậm phát triển hơn những trẻ cùng trang lứa. Khi một tuổi, cháu vẫn chưa tự nhấc đầu lên được, đến lúc 3 tuổi, mới chập chững những bước đi đầu tiên. Bây giờ 4 tuổi rồi nhưng cháu chỉ nói được duy nhất một từ “ông”. Lo lắng cho con nhiều lắm, nhưng vợ chồng tôi cũng chẳng biết phải làm thế nào khi mà hoàn cảnh gia đình khó khăn, không đủ điều kiện đưa con đến các trung tâm chuyên khoa lớn ở trong và ngoài nước để điều trị. Mới đây, khi được địa phương thông báo có đoàn bác sĩ từ nước ngoài đến khám sàng lọc cho trẻ bị dị tật vận động, vợ chồng tôi mừng lắm và quyết định đưa cháu đi khám với mong muốn các bác sĩ sẽ tìm ra phương pháp điều trị hiệu quả để cháu có thể có cuộc sống bình thường như những đứa trẻ khác”. Khác với bé Tuấn Anh, bé Trần Đình Anh Việt (3 tuổi) con của chị Trần Thị Hương Giang ở khối 8, thị trấn Quảng Phú, huyện Cư M’gar sinh ra là một đứa trẻ khỏe mạnh bình thường. Nhưng, đến khi 11 tháng tuổi, bé bị phích nước sôi đổ vào người khiến toàn bộ vùng mông và chân trái bị sẹo bỏng. Chị Giang chia sẻ: “Mỗi lần nhìn vết sẹo của con em ân hận lắm, chỉ vì một chút sơ suất của mình mà hậu quả làm con bị bỏng. Từ đó đến nay, tuy vết bỏng của cháu đã thành sẹo nhưng em vẫn day dứt không yên. Vì thế, khi biết thông tin, em đã đưa cháu đi khám để được các bác sĩ tư vấn cách chữa trị sẹo bỏng”.
Các chuyên gia của Thụy Sĩ thăm khám cho một trường hợp bị di chứng sẹo bỏng.
Các chuyên gia của Thụy Sĩ thăm khám cho một trường hợp bị di chứng sẹo bỏng.

Ngoài 2 bé Tuấn Anh và Anh Việt, chương trình còn khám cho hơn 200 trẻ bị dị tật vận động, sẹo bỏng. Mỗi phụ huynh đưa con đến khám đều ngập tràn hy vọng, mong sau khi khám con mình sẽ có thêm cơ hội để được sống, được học tập, vui chơi như bao đứa trẻ bình thường khác. Bước ra khỏi phòng khám, chị Thảo mẹ bé Nguyễn Trần Tuấn Anh  tâm sự: “Bác sĩ nói con tôi phát triển chậm là do lúc sinh bé bị ngạt nên não bị ảnh hưởng. Bệnh của bé không phẫu thuật được mà phải chờ đợi cho não phục hồi. Các bác sĩ cũng hướng dẫn tôi phải thường xuyên tập vật lý trị liệu để hỗ trợ bé vận động. Hy vọng một ngày không xa con tôi sẽ bình phục”. Còn với chị Giang, mẹ của bé Trần Đình Anh Việt thì dường như nỗi day dứt của người mẹ vô tình làm con bị nạn cũng nhẹ nhõm phần nào khi nghe được những nhận định của bác sĩ về bệnh tình của con. Chị bộc bạch: “Bác sĩ bảo sẹo bỏng của bé nhà em hiện tại chưa có ảnh hưởng đến vận động của cháu. Tuy nhiên, trong 2 năm tới, nếu cơ thể cháu phát triển mà vùng da bị bỏng không phát triển kịp thì bé sẽ phải làm phẫu thuật để tránh ảnh hưởng đến hệ vận động”. Cùng với chị Thảo, chị Giang, nhiều phụ huynh khác có mặt trong buổi khám sàng lọc cũng được các chuyên gia tư vấn, hướng dẫn tỉ mỉ cách chăm sóc đúng cách đối với trẻ bị dị tật vận động, qua đó giúp họ có thêm kiến thức để chăm sóc con em mình tốt hơn.

Theo ông Lâm Đình Nhiên, Giám đốc Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh, đây là lần đầu tiên Quỹ phối hợp với Tổ chức phi chính phủ Children Action thực hiện chương trình khám sàng lọc dị tật cơ xương khớp, di chứng sẹo bỏng cho trẻ em trên địa bàn tỉnh. Qua đợt khám sàng lọc cho trên 200 trẻ, các chuyên gia đã chỉ định phẫu thuật và tập vật lý trị liệu cho… trường hợp. Các trường hợp chỉ định phẫu thuật cũng như tập vật lý trị liệu được giới thiệu về TP. Hồ Chí Minh để điều trị và các chuyên gia của Thụy Sĩ sẽ là người trực tiếp phẫu thuật. Tổ chức phi chính phủ Children Action sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí điều trị và Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh sẽ hỗ trợ chi phí đi lại, ăn ở cho các trường hợp trong quá trình điều trị. Được biết, chương trình khám sàng lọc và phẫu thuật miễn phí các dị tật vận động, bệnh tim bẩm sinh ở trẻ là một trong những hoạt động thường xuyên được Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh phối hợp với các tổ chức, đơn vị trong và ngoài nước thực hiện nhằm giúp trẻ khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn có điều kiện chữa trị, phục hồi chức năng. Trên địa bàn tỉnh, số trẻ bị khuyết tật dưới dạng hệ vận động và các di chứng sẹo do bỏng hiện vẫn còn khá nhiều. Những đợt khám sàng lọc miễn phí như thế này là cơ hội rất hữu ích giúp các gia đình có hoàn cảnh khó khăn, có con em bị dị tật được tiếp cận với dịch vụ y tế, từ đó có thể hòa nhập cộng đồng, được học hành, vui chơi, hòa nhịp với cuộc sống xung quanh.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.