Những bệnh thường gặp mùa hè - nguyên nhân và giải pháp
Biến đổi khí hậu làm cho thời tiết mùa hè diễn biến cực đoan, thậm chí có hôm nhiệt độ tăng đột biến. Nắng nóng kéo dài phát sinh nhiều loại bệnh, như bệnh về mắt, ngộ độc thực phẩm cho đến kiệt sức...
*Bệnh về mắt
Nắng nóng, nhiệt độ cao mọi người cần bảo vệ đôi mắt, phòng ngừa bệnh viêm kết giác mạc, đục thủy tinh thể, thoái hóa điểm vàng, gây suy giảm thị lực và nặng có thể dẫn đến mù lòa. Hiện tượng thường thấy như đau nhức mắt, sưng tấy, nhìn lóa.
- Giải pháp: Nên đeo kính râm có khả năng lọc tia UV, kể cả khi trời râm, ít nắng. Ánh sáng mặt trời được tính bằng nanometere, các tia UV có chứa khoảng 320-390 nanometere. Nếu dùng kính râm theo tiêu chuẩn EU, có thể phong bế tới 95% tia UV dưới 380 nanometere. Ngoài ra cũng nên mang trang phục phòng hộ, nhất là mũ nón, hạn chế ra nắng lúc cao điểm, từ 10 giờ đến 15 giờ.
*Ngộ độc thực phẩm
Vào mùa hè, thời tiết nắng nóng, thực phẩm không đảm bảo an toàn dễ dẫn đến ngộ độc thực phẩm. Ngộ độc thực phẩm thường xuất hiện các dấu hiệu từ 1-3 ngày sau ăn, như tiêu chảy, ói mửa, nếu nặng có thể gây sốt, choáng ngất, mất nước, đau bụng, tiểu tiện ra máu…
- Giải pháp: Nhẹ có thể tự khỏi bằng cách uống nhiều nước. Nếu trầm trọng nên nhập viện. Để hạn chế ngộ độc thực phẩm mùa hè, mọi người nên áp dụng 4 quy tắc về thực phẩm, như rửa sạch, nấu chín, bảo quản thích hợp, và hạn chế ô nhiễm chéo giữa các loại thực phẩm với nhau.
*Bệnh về tai khi bơi lội
Mùa hè nóng nực, mọi người thường tham gia hoạt động bơi lội, nếu không đề phòng nước có thể vào tai, tạo môi trường cho khuẩn sinh sôi nảy nở và phát bệnh, nếu không chữa trị có thể gây giảm thính lực, phát sinh bệnh về tai.
- Giải pháp: Thuốc nhỏ tai có thể phòng chống nhanh bệnh về tai khi bơi lội. Luôn giữ cho đôi tai lkhô ráo bằng cách dùng các trang bị phòng hộ khi bơi lặn hoặc dùng miếng bịt lỗ tai bằng silicone. Khi có nước vào tai, tránh dùng tăm bông, hoặc ngón tay hay khăn để làm khô dễ gây tổn thương tai.
*Cháy nắng
Cháy nắng xuất hiện ngay sau vài giờ phơi nắng, như da sạm đỏ, đau nhức, nếu nặng có thể giộp và vài ngày sau da tự bong ra. Đôi khi bị nặng, có thể phát sinh các hiện tượng như sốt, lạnh người, đau đầu, nôn ói hoặc phát ban. Lâu dài, cháy nắng có thể làm tổn thương da mãn tính, tăng nếp nhăn, nám da, thậm chí cả ung thư da.
- Giải pháp: Tắm nắng là cách tốt nhất cung cấp vitamin D cho cơ thể nhưng phải thực hành đúng cách, thời lượng hợp lý. Nếu lạm dụng, kể cả làm việc dưới nắng to không đội nón mũ, phòng hộ sẽ rất nguy hiểm. Khi bị cháy nắng, cần uống nhiều nước để làm ẩm da. Ngoài ra, có thể tắm, chườm lạnh, bôi kem tăng ẩm, nhất là kem làm từ dược thảo như lô hội, hoặc kem dưỡng ẩm da từ thực vật. Nếu nặng nên tư vấn dùng thuốc kháng viêm, và thực hiện theo phác đồ của bác sĩ.
*Kiệt sức vì nắng nóng
Thông thường khi nhiệt độ tăng cao, làm việc trong môi trường nắng nóng dễ mất nước do ra mồ hôi tăng tiết liên tục, phát sinh tình trạng mệt mỏi, kiệt sức. Dấu hiệu dễ nhận biết là buồn nôn, đau đầu, choáng váng, ngất xỉu…, nếu không can thiệp có thể phát sinh đột quỵ, nhất là khi nhiệt độ tăng trên 40 độ C.
- Giải pháp: Khi bị kiệt sức cần đưa người bệnh đến nơi mát mẻ, cho uống thật nhiều nước, trường hợp nghiêm trọng không chuyển biến tích cực nên đưa đi cấp cứu, nhất là khi mất ý thức, lẫn lộn, hay có các dấu hiệu của người bị đột quỵ.
*Phát ban da
Khi nắng nóng kéo dài, nhiều người xuất hiện chứng phát ban da, da sưng đỏ, ngứa ngáy do tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn. Dấu hiệu nhận biết nhanh như da đỏ từng mảng, đau cổ họng, khó thở, đau đầu và nhiều triệu chứng khác.
- Giải pháp: Để giảm bệnh cần giữ gìn vệ sinh sạch sẽ, nên sống trong môi trường trong lành, giữ cho da mát mẻ. Nếu mắc bệnh nên tư vấn dùng thuốc thuốc kháng histamine và kem bôi giảm ngứa, kháng viêm.
Khắc Nam
(Theo DM- 6/2015)
Ý kiến bạn đọc