Multimedia Đọc Báo in

Huyện Cư Kuin: Phát huy vai trò của y tế cơ sở trong chăm sóc sức khỏe nhân dân

08:49, 12/08/2015

Những năm qua, công tác chăm sóc và bảo vệ sức khỏe cho nhân dân ở huyện Cư Kuin đã từng bước nâng lên, việc tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về phòng chống dịch bệnh được chú trọng, trong đó, y tế cơ sở được xem là một trong những đơn vị đóng vai trò quan trọng.

Trạm Y tế xã Ea Bhốk hiện có 7 cán bộ biên chế với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác chuyên môn (trong đó có 1 bác sĩ, 3 y sĩ, 1 nữ hộ sinh trung học, 1 điều dưỡng và 1 dược sĩ trung học), chưa kể còn có đội ngũ cộng tác viên y tế luôn nhiệt tình, năng động phụ trách ở tất cả 17 thôn, buôn. Về cơ sở vật chất, năm 2011, Trạm đã được đầu tư tu sửa, nâng cấp gồm đầy đủ nhà công vụ, bếp ăn, nhà để xe, phòng chức năng, đồng thời được trang cấp các thiết bị y tế cơ bản. Nhìn chung, với cơ sở vật chất ngày một hoàn thiện, cùng đội ngũ thầy thuốc nhiệt tình, tận tâm với nghề, nhiều năm qua Trạm Y tế xã Ea Bhốk được huyện đánh giá là một trong những đơn vị điển hình trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân từ cơ sở.

Y tá H’Duk Ênuôl, Trạm Y tế xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đang thăm khám sức khỏe cho người dân.
Y tá H’Duk Ênuôl, Trạm Y tế xã Ea Tiêu (huyện Cư Kuin) đang thăm khám sức khỏe cho người dân.

Bác sĩ Y Sui Byă, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Bhốk cho biết: Xác định rõ công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân là nhiệm vụ quan trọng, đội ngũ cán bộ, nhân viên của Trạm luôn chú trọng thực hiện tốt lời Bác dạy “Lương y như từ mẫu”, tận tình chăm sóc bệnh nhân tới khám chữa bệnh với thái độ ân cần, nên bà con ngày càng tin tưởng đến khám nhiều hơn. Hằng năm, Trạm Y tế xã đã khám và điều trị cho gần 7.000 lượt bệnh nhân, trung bình mỗi ngày có trên 30 lượt người đến khám và điều trị. Trạm luôn tổ chức tốt công tác sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời đối với các trường hợp bệnh nặng lên tuyến trên, chưa để xảy ra sai sót trong chuyên môn. Các y, bác sĩ thường xuyên duy trì lịch trực 24/24 giờ mỗi ngày để phục vụ nhu cầu của nhân dân địa phương. Chị H’Win Niê ở thôn 2, xã Ea Bhốk bày tỏ: “Trước đây, trên địa bàn xã nếu có ai đau ốm là tốn nhiều tiền lắm bởi phải thịt nhiều heo, gà mời thầy cúng đến, nhưng bệnh tình cũng chẳng khỏi. Từ ngày Trạm Y tế xã được đầu tư xây dựng khang trang và đội ngũ y bác sĩ làm tốt công tác khám chữa bệnh thì bà con trong xã mừng lắm, không phải tốn kém nhiều tiền của như trước mà lại hết bệnh nữa”...

Trạm Y tế xã Ea Bhốk cũng thường xuyên bám sát chỉ tiêu cấp trên giao để thực hiện tốt các chương trình mục tiêu y tế quốc gia. Hằng năm có 92,6% trẻ dưới 1 tuổi trên địa bàn xã được tiêm chủng; trẻ em dưới 5 tuổi được uống Vitamin A và tư vấn dinh dưỡng đạt 96,2%. Bên cạnh đó, công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình được quan tâm; phụ nữ mang thai được quản lý thai nghén, khám thai định kỳ, tiêm phòng uốn ván sơ sinh, uống bổ sung viên sắt phòng thiếu máu…

Còn tại Trạm Y tế xã Hòa Hiệp, song song với việc khám chữa bệnh, Trạm còn chú trọng đến công tác phòng, chống dịch bệnh, truyền thông giáo dục sức khỏe, nâng cao nhận thức cho người dân về cách tự bảo vệ và chăm sóc sức khỏe ban đầu. Chị Trần Thị Thanh Vân, Trưởng Trạm Y tế xã cho hay: Hằng năm, Trạm Y tế xã Hòa Hiệp thường xuyên phối hợp với các tổ chức hội, đoàn thể trên địa bàn; thông qua loa phát thanh xã, đài truyền thanh huyện và hình thức phát tờ rơi… đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Chưa hết, đội ngũ cộng tác viên y tế ở các thôn, buôn còn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” vận động bà con sử dụng hố xí tự hoại, quét dọn vệ sinh môi trường đường làng ngõ xóm, thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng... Từ đó, ý thức của người dân cũng được nâng lên rõ rệt, tập quán sinh hoạt lạc hậu đang dần thay đổi, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy mà trong những năm qua tình hình dịch bệnh trên địa bàn đã cơ bản được kiềm chế, một số dịch bệnh thường xảy ra trong mùa mưa những năm trước đây như sốt xuất huyết, sốt rét và một số bệnh truyền nhiễm do vệ sinh môi trường kém đã được kiềm chế đến mức thấp nhất. Từ năm 2014 đến nay, trên địa bàn xã mới phát hiện 1 ca sốt xuất huyết và đã được khống chế, không có trường hợp nào bị sốt rét.

Ông Nguyễn Khắc Dũng, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Cư Kuin chia sẻ: Những năm qua, được sự quan tâm đúng hướng của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, cơ sở vật chất phục vụ cho công tác khám, chữa bệnh từ huyện đến cơ sở không ngừng được đầu tư, xây dựng, cải tạo, nâng cấp; đội ngũ y bác sĩ được tăng cường, nâng cao năng lực chuyên môn và đổi mới về công tác khám chữa bệnh (hiện toàn huyện có 100% trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia về y tế mới). Từ đó, chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên, đáp ứng ngày một tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn. Cũng theo ông Dũng, Trung tâm Y tế huyện còn thường xuyên chỉ đạo các đơn vị y tế xã nêu cao tinh thần thái độ phục vụ nhân dân, nâng cao y đức của người thầy thuốc qua công tác khám, điều trị, chăm sóc, hướng dẫn người bệnh, bảo đảm tốt phương châm: “Bệnh nhân đến tiếp đón niềm nở - bệnh nhân ở chăm sóc tận tình - bệnh nhân về dặn dò chu đáo”, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân đối với đội ngũ cán bộ y tế.

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.