Phòng bệnh trong mùa lạnh
Bệnh viêm họng
Thời tiết ẩm, lạnh là nguyên nhân khiến liên cầu khuẩn phát triển gây viêm họng.
Khi bị viêm họng cấp tính, bệnh nhân đột ngột sốt cao 39-400C, ớn lạnh, nhức đầu, kèm theo đau rát họng, nuốt đau, cảm giác vướng ở cổ khiến bệnh nhân khạc, nhổ nhiều, nhất là hay hắng giọng vào buổi sáng, khô cổ, khát nước. Ngoài ra, bệnh nhân có thể bị đau nhức cả mình mẩy, giọng nói bị mất độ trong, niêm mạc họng đỏ, sụt sịt, tắc mũi và chảy nước mũi. Bệnh kéo dài 3-7 ngày rồi tự khỏi, nhiệt độ cơ thể giảm nhanh và các triệu chứng như nhức đầu, sổ mũi, đau họng cũng giảm dần. Tuy nhiên, cũng có một số trường hợp bội nhiễm, đôi khi gây biến chứng viêm tai giữa, viêm xoang… Ở trẻ em, khi bị viêm họng cấp ngoài những biến chứng kể trên còn có thể bị bệnh thấp tim do liên cầu khuẩn gây viêm họng kích thích cơ thể sản xuất ra các kháng thể gây ảnh hưởng đến tim, khớp, thần kinh.
Bệnh chủ yếu điều trị triệu chứng và tăng cường sức đề kháng của cơ thể như các thuốc giảm đau hạ nhiệt, bổ sung các vitamin B, C. Trường hợp nếu có dấu hiệu bội nhiễm thì bắt buộc phải sử dụng kháng sinh phù hợp, đủ liều từ 5-7 ngày.
Viêm họng mạn tính là tình trạng phản ứng của niêm mạc họng đối với tình trạng viêm nhiễm họng kéo dài. Trời lạnh càng làm cho bệnh trở nên dai dẳng. Nguyên nhân gây bệnh thường là do các yếu tố kích thích niêm mạc họng lâu dài như viêm mũi - xoang mạn tính, viêm amidan, viêm V.A mạn tính, kích thích bởi hóa chất, bụi, khói thuốc lá, rượu, acid dạ dày trào ngược… Ngoài những triệu chứng như đau rát họng, nuốt khó, ho nhiều vào ban đêm, họng còn tiết ra chất nhày nhiều dẫn đến khạc nhổ thường xuyên…
Để phòng bệnh viêm họng chủ yếu là giữ ấm cơ thể, nhất là giữ ấm cổ, ngực, gan bàn chân; tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn đủ chất; vệ sinh răng miệng sạch sẽ; nên mang khẩu trang khi tiếp xúc với môi trường bụi bặm, khói thuốc,… tránh ăn uống những thức ăn, nước uống quá lạnh. Nên súc miệng thường xuyên bằng nước muối loãng và dùng thuốc theo đúng chỉ định của bác sĩ. Đối với trẻ nhỏ thì phải kiểm tra nếu bị viêm V.A nên có biện pháp điều trị sớm.
Phòng ngừa đột quỵ trong mùa lạnh cho người cao tuổi
Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, nguyên nhân đứng hàng thứ ba gây ra tử vong sau bệnh tim mạch và ung thư. Đột quỵ là hiện tượng máu lên não bị gián đoạn đột ngột do nghẽn hoặc vỡ một nhánh động mạch não, hậu quả là tế bào não bị chết do thiếu ôxy. Có hai hình thái đột quỵ là do thiếu máu não cục bộ và do xuất huyết não.
Người cao tuổi có thói quen dậy sớm vận động, ngoài trời nhiệt độ xuống thấp, thời tiết lạnh khiến cơ thể người già vốn đã suy yếu nên không kịp thích ứng, tạo điều kiện cho những căn bệnh nguy hiểm có cơ hội bùng phát. Những gia đình có người già cần đặc biệt lưu ý đề phòng bệnh tai biến mạch máu não dẫn đến liệt nửa người, thậm chí tử vong.
Đột quỵ thường xảy ra đột ngột với ít dấu hiệu báo trước. Thực tế có những người vào buổi chiều tối hôm trước vẫn sinh hoạt bình thường, lúc đi ngủ vẫn khoẻ mạnh, ban đêm hay sáng sớm hôm sau đã thấy hôn mê bất tỉnh. Do đó, khi trong nhà có người mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp thì người thân cần chú ý theo dõi. Khi thấy các dấu hiệu: đột ngột đau đầu dữ dội, choáng váng, rối loạn tri giác như tiếp xúc chậm chạp, ngủ gà, hôn mê, đột ngột không nói được, diễn tả lời nói khó khăn, nói vô nghĩa, lẫn lộn hoặc khó khăn trong việc hiểu người khác, yếu liệt tay chân theo nửa người, đột nhiên nhìn mờ hoặc nhìn nhoè, mù màu có thể bị ở một bên mắt, đi tiêu, tiểu không tự chủ hoặc bí tiểu hoàn toàn... cần nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế để được xử trí kịp thời.
Nếu phát hiện ra người nhà bị đột quỵ, trong khi chờ xe đưa đi cấp cứu nên để bệnh nhân nằm yên, nới rộng quần áo, nếu bệnh nhân bị ói (nôn) cần để đầu bệnh nhân nghiêng qua một bên và lấy hết các chất nôn ở miệng, mũi bệnh nhân ra; nếu bệnh nhân bị co giật, đề phòng bệnh nhân cắn vào lưỡi nên lấy khăn vải quấn quanh chiếc đũa hay chiếc thìa đặt vào giữa hai hàm răng của bệnh nhân.
Để phòng tránh đột quỵ, phải thường xuyên kiểm tra huyết áp cho người cao tuổi, tuân thủ tốt việc điều trị bệnh cao huyết áp, tiểu đường. Việc giữ cho cơ thể không bị nhiễm lạnh, giữ ấm cổ, ngực, nhất là tránh nhiễm lạnh đột ngột rất quan trọng. Những khi trời lạnh giá, giữa đêm hoặc gió to hạn chế ra ngoài trời, nếu có việc cần ra ngoài trời giữa đêm thì nên mặc đủ ấm. Không nên tập thể dục vào lúc quá sớm mà phải tuỳ thời tiết và tập vừa với sức mình. Khi tập cần mặc ấm, đội mũ đầy đủ để tránh gió, vận động thấy nóng người mới cởi bớt trang phục chứ không nên mặc phong phanh bởi rất dễ bị trúng gió. Giữ chế độ ăn uống đúng mức để tránh béo phì, hạn chế rượu, bia; không hút thuốc lá...
Hồng Vân
Ý kiến bạn đọc