Multimedia Đọc Báo in

Phát hiện bệnh quai bị sớm để phòng biến chứng

10:42, 25/09/2016

Quai bị là bệnh lành tính, ít gây tử vong, tuy nhiên nếu mắc bệnh mà không được chẩn đoán và điều trị kịp thời sẽ dễ biến chứng để lại hậu quả vô cùng nguy hiểm, như: viêm não, viêm màng não, điếc một bên tai, viêm buồng trứng, viêm tinh hoàn dễ dẫn đến vô sinh…

Quai bị là bệnh viêm tuyến nước bọt mang tai do virut có tên khoa học là Paramyxo gây nên, lây trực tiếp bằng đường hô hấp do người lành tiếp xúc với các giọt nước bọt hoặc giọt chất tiết từ mũi, họng của người bệnh nên rất dễ lây lan nhanh và thành dịch ở những nơi thường xuyên tập trung đông người như nhà trẻ, trường học hoặc khu tập thể…. Bệnh xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay mắc nhất là trẻ từ 5 đến 15 tuổi.

Sau khi tiếp xúc với virut gây bệnh từ 14 đến 24 ngày, bệnh quai bị khởi phát với các triệu chứng ban đầu như: sốt cao, mệt mỏi, đau đầu, sưng to một bên tuyến mang tai, gây khó khăn trong việc ăn uống. Ở nam giới có thể sưng căng và đau tinh hoàn một hoặc hai bên. Theo các chuyên gia y tế, tỷ lệ tử vong do bệnh quai bị là rất thấp vì bệnh này lành tính, có thể tự khỏi sau một tuần. Hiện nay, y học hiện đại chưa có phương pháp chữa khỏi bệnh mà chỉ điều trị triệu chứng và chăm sóc người bệnh bằng cách tăng cường dinh dưỡng, ăn thực phẩm dễ tiêu hóa, thường xuyên súc miệng bằng nước muối sinh lý, nghỉ ngơi, tránh vận động nhiều, uống nhiều nước, hạ sốt nếu có sốt, giảm đau khi viêm tuyến mang tai.

Tuy nhiên, nhiều người thường lầm tưởng quai bị với các bệnh lý viêm họng hay cảm sốt nên tự ý mua thuốc về điều trị khiến việc phát hiện bệnh muộn, dễ gây biến chứng tổn thương nhiều cơ quan của cơ thể, như: viêm não, viêm màng não đặc biệt là gây viêm tinh hoàn cho nam giới và teo buồng trứng ở nữ giới, dễ dẫn đến vô sinh. 

Với những biến chứng nặng nề của bệnh quai bị, các bác sĩ khuyến cáo: Khi bản thân hoặc con em mình có các triệu chứng như vừa nêu trên, cần đến ngay cơ sở y tế để được chẩn đoán, điều trị kịp thời. Không được bôi hoặc đắp bất cứ thứ gì lên vùng bị sưng. Tuyệt đối không được dùng kháng sinh khi chưa có chỉ định của bác sĩ. Người bệnh phải có ý thức tránh lây nhiễm cho cộng đồng bằng cách hạn chế tiếp xúc với nhiều người trong thời gian bị bệnh, nên cách ly người bệnh trong khoảng thời gian 2 tuần kể từ khi bắt đầu sưng tuyến mang tai. Trẻ bị bệnh cần nghỉ học để tránh bệnh phát tán, lây lan.

Mọi người khi tiếp xúc với người bệnh cần đeo khẩu trang y tế; không sử dụng chung các dụng cụ ăn uống với người bệnh; rửa tay bằng xà phòng sát khuẩn trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, khi chăm sóc, tiếp xúc người bệnh; thường xuyên vệ sinh nhà cửa sạch sẽ. Ngoài ra, phòng ngừa bệnh quai bị hiệu quả nhất hiện nay là tiêm vắc xin quai bị. Vắc xin quai bị thường kết hợp với phòng sởi và rubella (MMR). Liều thứ nhất tiêm khi trẻ từ 12-15 tháng tuổi; liều thứ hai từ 4-6 tuổi; với trẻ từ 9-12 tháng tuổi đang ở trong vùng dịch mà chưa được tiêm phòng MMR thì cần tiêm phòng 1 mũi, sau đó tiêm mũi 2 lúc 15-18 tháng và mũi 3 sau mũi 2 từ 3-5 năm; trẻ em trên 5 tuổi hoặc người lớn thì chỉ cần tiêm 1 mũi duy nhất.

Mỹ Hạnh 

 


Ý kiến bạn đọc


(Video) Khởi sắc xã vùng sâu Ea Sin
Ea Sin là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Búk hiện đang đổi thay nhờ những dự án hỗ trợ hiệu quả từ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.