Multimedia Đọc Báo in

Phòng ngừa bệnh trĩ

09:20, 17/09/2016

Trĩ là sự phồng lớn của một hay nhiều tĩnh mạch thuộc hệ thống tĩnh mạch trĩ trên hoặc tĩnh mạch trĩ dưới hay cả hai gây nên trĩ nội, trĩ ngoại hay trĩ hỗn hợp.

Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, kể cả trẻ em. Bệnh hay xảy ra ở người làm việc nhiều ở tư thế đứng hoặc người làm những nghề  như tài xế, cảnh sát, khuân vác, nông dân, thợ may, phụ nữ mang thai, vận động viên ở tuổi trung niên.

Triệu chứng thường thấy nhất là đại tiện ra máu, thường là màu đỏ tươi, xảy ra ngay sau khi đại tiện, hiếm khi trĩ gây xuất huyết ồ ạt nhưng lâu ngày có thể tạo ra thiếu máu mạn tính và nặng. Sau một thời gian thì trĩ lớn và sa, mới đầu hiện tượng sa chỉ nhiều nhất lúc đi đại tiện nhưng về sau sẽ sa liên tục. Bệnh nhân rất đau, nhất là khi ngồi hoặc di chuyển rất khó khăn. Vùng hậu môn và quanh hậu môn bị sưng phù nhiều, tách rộng ra hai bên sẽ thấy niêm mạc trĩ nội thuyên tắc nằm ở giữa. Hai màu niêm mạc trong và ngoài rất khác nhau

Tình trạng trĩ nội thuyên tắc có thể tự khỏi. Sau vài ngày thì bệnh nhân bớt đau, bớt sưng và trĩ trở vào trong hậu môn. Sau cơn thuyên tắc, trĩ có thể bị xơ hóa, nhỏ lại và bớt chảy máu. Một vài trường hợp bị lở loét bó trĩ hoặc hoại tử từng vùng. Có khi hoại tử tạo ra áp-xe vùng hậu môn và vùng chậu.

Không nên rửa bằng xà phòng vì dễ gây kích thích ngứa nhiều hơn. Nên ngâm hậu môn với nước ấm ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút. Có thể đắp gạc lạnh ngày 4 lần, mỗi lần 10 phút. Nếu búi trĩ sa ra ngoài, bệnh nhân nên nhét nhẹ nhàng vào hậu môn để tránh tình trạng thuyên tắc. Xử trí tình trạng đau phù và viêm trong các cơn trĩ cấp bằng cách bôi thuốc mỡ hoặc thuốc đạn có hydrocortisone tại chỗ. Không nên dùng quá 2 tuần lễ vì hydrocortisone có thể gây teo niêm mạc hậu môn; cần dùng thuốc theo đúng chỉ định của thầy thuốc

Có thể điều trị trĩ bằng các phương pháp khác như nong hậu môn, thắt búi trĩ bằng dây thun, chích xơ hóa búi trĩ hoặc đốt điện, chích nước nóng..., phẫu thuật cắt trĩ áp dụng đối với trĩ độ 3 và độ 4. Trường hợp trĩ ngoại bị thuyên tắc nên mổ ngay lấy cục máu đông, bệnh nhân sẽ hết đau rất nhanh và phòng được biến chứng do thuyên tắc gây nên

Tuy vậy, phòng ngừa vẫn là biện pháp quan trọng nhất. Thêm chất xơ trong chế độ ăn uống là một trong những cách tự nhiên là tốt nhất để phòng ngừa bệnh trĩ. Các thực phẩm giàu chất xơ như trái cây tươi, rau quả, ngũ cốc nguyên hạt và bột yến mạch sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu hóa, làm sạch tường trực tràng và làm cho đại tiện nhẹ nhàng và không đau đớn. Hạn chế các chất kích thích như cà phê, rượu bia, trà và các thức ăn nóng (nhiều gia vị) như tiêu, ớt...

Uống nhiều nước, đặc biệt là trong bữa ăn. Có thể uống nước tinh khiết hoặc các loại chất lỏng lành mạnh như trái cây và nước rau ép. Cần bảo đảm lượng nước uống hơn 2 lít /ngày. Ăn uống đúng giờ, tránh bỏ bữa hoặc liên tục thay đổi lịch trình của các thói quen ăn uống bởi nó có thể dẫn tới chứng khó tiêu - đây được cho là một trong những nguyên nhân gây bệnh trĩ. Không nên nhịn đi vệ sinh và tập đi vệ sinh vào một giờ cố định hằng ngày.

Không nên đứng hoặc ngồi một chỗ quá lâu có thể khiến cho sức ép đè lên vùng xương chậu lớn, áp lực lên tĩnh mạch hậu môn cao là nguy cơ gây nên bệnh trĩ. Nên có kế hoạch nghỉ ngơi giữa giờ (như đi lại) trong trường hợp công việc phải đứng hoặc ngồi lâu. Tập thể dục thường xuyên và duy trì trọng lượng ở mức độ cho phép. Duy trì hoạt động thể dục thể thao ở mức vừa phải như đi bộ, bơi lội... sẽ giúp các nhu động ruột hoạt động tốt tiêu hóa tốt và tuần hoàn máu vùng hậu môn tốt.

Ngoài ra cần điều trị triệt để các bệnh mãn tính hiện có như viêm phế quản, giãn phế quản, bệnh lỵ... Những bệnh này làm tăng áp lực trong ổ bụng và làm tăng áp lực lên thành tĩnh mạch hậu môn gây nên bệnh trĩ. Không nên để bệnh trĩ đến giai đoạn muộn mới đi khám và điều trị vì dễ xảy ra biến chứng hơn và việc điều trị cũng gặp nhiều khó khăn. 

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc