Multimedia Đọc Báo in

Thị trấn Phước An: Người dân chủ động phòng chống sốt xuất huyết

09:13, 07/09/2016

Nhờ làm tốt công tác truyền thông, chủ động huy động nhân dân tham gia làm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng, diệt muỗi, số lượng bệnh nhân mắc sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn thị trấn Phước An (huyện Krông Pắc) đã chững lại rõ rệt.

  Cán bộ  y tế hướng dẫn người dân  cách diệt lăng quăng (bọ gậy). Ảnh: Kim Oanh
Cán bộ y tế hướng dẫn người dân cách diệt lăng quăng (bọ gậy). Ảnh: Kim Oanh

Tính đến ngày 31-8, trong số 360 trường hợp mắc SXH trên địa bàn huyện Krông Pắc có 57 trường hợp thuộc địa bàn thị trấn Phước An (cao thứ 2 trong toàn huyện, sau xã Hòa An). Trước tình hình này, để chủ động phòng chống SXH, không để bệnh lây lan rộng, Trạm y tế thị trấn Phước An đã tham mưu cho chính quyền địa phương xây dựng kế hoạch tuyên truyền, diệt lăng quăng, diệt muỗi phòng chống SXH và triển khai một cách cụ thể đến tất cả các tổ dân phố trên địa bàn. Với phương châm “không có lăng quăng (bọ gậy), không có SXH”, Trạm đã chủ động đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về phòng chống SXH bằng nhiều hình thức: treo băng rôn, phát tờ rơi, thông tin trên loa phát thanh, truyền thông nhóm, tư vấn tại trạm y tế; lồng ghép tuyên truyền vào các buổi họp dân của tổ dân phố để thu hút sự quan tâm của nhân dân… Cùng với đó, Trạm đã phối hợp với các ban ngành, đoàn thể của địa phương thành lập các đội xung kích trực tiếp đến địa bàn dân cư tham gia cùng nhân dân làm vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng bằng những cách cụ thể: thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn, thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ chứa nước không cần thiết, thay nước bình hoa, bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn, loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên… Qua 2 đợt ra quân đồng loạt tại 18 tổ dân phố đã có hơn 7.000 lượt hộ tham gia vệ sinh môi trường, gần 35.000 dụng cụ chứa nước và phế thải được xử lý. Thông qua các hoạt động này, ý thức của người dân về phòng chống bệnh SXH đã được nâng lên đáng kể. Nhiều người dân đã bắt đầu tìm hiểu thông tin về bệnh SXH và cách phòng tránh, thực hiện ngủ màn, mặc quần áo dài phòng muỗi đốt; chủ động, tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt vệ sinh môi trường để phòng bệnh. Đặc biệt, nhiều người đã nắm bắt được những kỹ năng cán bộ y tế hướng dẫn về dấu hiệu nhận biết bệnh, khi trẻ có biểu hiện sốt cao đột ngột nên đưa trẻ đến trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và điều trị kịp thời. Nhờ vậy, trên địa bàn thị trấn hiện không có ổ dịch SXH, số người mắc bệnh trong những tuần gần đây cũng đã có dấu hiệu chững lại.

Có thể thấy, để công tác phòng chống bệnh SXH thực sự có hiệu quả, ngoài sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ban, ngành, đoàn thể thì không thể coi nhẹ vai trò của người dân. Ngoài các hoạt động như truyền thông, kiểm tra, giám sát, xử lý ổ dịch… của ngành Y tế thì sự tham gia của người dân trong việc diệt lăng quăng, diệt muỗi là rất quan trọng.                     

 Ths.BS Nguyễn Hữu Huyên

                Trưởng phòng Kế hoạch – Nghiệp vụ Y, Sở Y tế


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.