Multimedia Đọc Báo in

Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh chủ động ứng phó với dịch sốt xuất huyết

09:49, 24/10/2016

Trước tình hình dịch sốt xuất huyết (SXH) gia tăng và diễn biến phức tạp, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Thiện Hạnh đã tích cực chuẩn bị nhân lực, vật lực để chủ động ứng phó khi bệnh nhân vào viện ngày một tăng.

Tính từ đầu năm đến nay, bệnh viện Thiện Hạnh tiếp nhận và điều trị gần 3.500 ca bệnh, trong đó, từ đầu tháng 8 đến nay khoảng 2.000 ca. Các trường hợp vào viện chủ yếu là SXH Dengue và SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo.

Tại khoa Khám bệnh và Cấp cứu của bệnh viện, công tác tiếp nhận, cấp cứu bệnh nhân SXH được thực hiện chặt chẽ, tuân thủ đúng quy trình. Trước tình hình bệnh nhân tăng mạnh, Khoa đã kê thêm 30 giường bệnh, tăng cường thêm bác sĩ, điều dưỡng và trang bị thêm máy thở, thuốc, dịch truyền để đáp ứng thu dung, điều trị bệnh nhân SXH một cách kịp thời.

Một trường hợp mắc SXH điều trị tại BVĐK Thiện Hạnh.
Một trường hợp mắc SXH điều trị tại BVĐK Thiện Hạnh.

Cùng với việc chuẩn bị cơ sở vật chất và con  người để đáp ứng được số lượng bệnh nhân đông, BVĐK Thiện Hạnh cũng đã cử các y bác sĩ tham gia tập huấn phác đồ điều trị SXH do Cục Khám chữa bệnh (Bộ Y tế), Sở Y tế tổ chức; đồng thời, chủ động cập nhật phác đồ chẩn đoán và điều trị SHX Dengue tới toàn bộ nhân viên; tổ chức các buổi sinh hoạt tại các khoa chuyên môn về chủ đề SXH để nâng cao trình độ chuyên môn và học tập rút kinh nghiệm trong chẩn đoán, điều trị bệnh nhân SXH.

Huyện Ea Súp: Số ca mắc SXH tăng 143 lần

Tính đến thời điểm này, huyện Ea Súp đã có 144 trường hợp mắc bệnh SXH, tăng 143 lần so với cùng kỳ năm 2015; có 18 ổ dịch được ghi nhận tại các thôn, buôn, tổ dân phố.

Trước diễn biến phức tạp của bệnh SXH, huyện Ea Súp đã chỉ đạo các ngành liên quan, chính quyền các địa phương chủ động thực hiện nhiều biện pháp phòng chống dịch như: xử lý phun hóa chất kịp thời 18 ổ dịch trên địa bàn không để lây lan rộng; đẩy mạnh tuyên truyền cách phòng chống dịch bệnh cho người dân; thành lập các đội xung kích diệt trừ lăng quăng, bọ gậy.

                Thu Huyền

Bác sĩ Lê Đăng Trung, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết: “Để chủ động trong công tác tiếp nhận, điều trị bệnh SXH, nhất là thời điểm bước vào đỉnh dịch SXH, bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng tiếp tục cập nhật kiến thức “Hướng dẫn chẩn đoán, điều trị SXH Dengue” của Bộ Y tế cũng như các nội dung đã được tập huấn liên quan đến bệnh SXH tới toàn bộ nhân viên. Đối với công tác điều trị, bệnh viện đã chỉ đạo các khoa, phòng liên quan thực hiện theo dõi chặt chẽ các trường hợp có dấu hiệu cảnh báo tiên lượng bệnh nặng để chuyển viện kịp thời, an toàn, nhất là các đối tượng: trẻ em, phụ nữ mang thai và người già...”

Bác sĩ Trung khuyến cáo, SXH Dengue chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Hơn nữa bệnh SXH có biểu hiện ban đầu giống hệt các triệu chứng sốt vi rút khác nên nhiều người chủ quan tự điều trị tại nhà, điều này có thể nguy hiểm đến tính mạng. Dù SXH là bệnh tự khỏi trong vòng 7 ngày, nhưng một số ít bệnh nhân sẽ có biểu hiện nặng như chảy máu hoặc thoát huyết tương gây sốc nặng do giảm thể tích nếu không chữa trị kịp thời sẽ có nguy cơ gây tử vong. Do đó, khi thấy các triệu chứng sốt cao đột ngột liên tục 39 - 40 độ C, kéo dài 2 - 7 ngày, đau đầu, đau mình mẩy kèm các dấu hiệu phát ban, nổi hạch, da xung huyết, xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chân răng... người bệnh nên đến cơ sở y tế khám để phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc