Đẩy mạnh các hoạt động ngăn ngừa nguy cơ dịch bệnh kép
Dịch bệnh sốt xuất huyết (SXH) trên địa bàn huyện Lắk hiện vẫn đang gia tăng và diễn biến phức tạp. Trong khi đó, bệnh do vi rút Zika lại có véc tơ truyền bệnh tương đương với SXH, rất dễ xảy ra nguy cơ xảy ra dịch bệnh kép…
Báo cáo của UBND huyện, tính đến ngày 15-11, toàn huyện ghi nhận 283 trường hợp mắc sốt xuất huyết, tăng hơn 7 lần so với cùng kỳ năm 2015. Thị trấn Liên Sơn và các xã Đắk Liêng, Buôn Tría, Krông Nô là các địa phương có số ca bệnh cao nhất. Đối với bệnh do vi rút Zika, mặc dù đến thời điểm này, trên địa bàn chưa ghi nhận ca mắc bệnh, nhưng UBND huyện cũng đã chỉ đạo các ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tích cực phối hợp với ngành Y tế tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh này.
Cán bộ Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika. |
Để khống chế và kiểm soát dịch bệnh, không để bệnh do vi rút Zika và sốt xuất huyết lây lan trong cộng đồng, thời gian qua, UBND huyện đã triển khai nhiều hoạt động phòng chống SXH: Củng cố và kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh các cấp; tổ chức giám sát, phát hiện ca bệnh, ổ dịch; tăng cường công tác giám sát, dự báo theo diễn biến tình hình để có kế hoạch ứng phó kịp thời. Bên cạnh đó, huyện cũng đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến kiến thức và biện pháp phòng chống dịch bệnh đến người dân thông qua các phương tiện thông tin đại chúng và truyền thông trực tiếp tại tổ dân phố, thôn, buôn, trường học.
Nhìn vào các kế hoạch, hoạt động nói trên có thể thấy huyện Lắk khá chủ động trong việc ngăn ngừa dịch bệnh SXH và bệnh do vi rút Zika. Song trên thực tế, kết quả kiểm tra thực địa tại một số địa bàn dân cư trên địa bàn huyện do Đoàn kiểm tra liên ngành của UBND tỉnh tiến hành mới đây cho thấy các hoạt động này chưa thực sự đạt hiệu quả.
Qua kiểm tra thực tế, Đoàn kiểm tra liên ngành ghi nhận trên địa bàn huyện Lắk hiện xuất hiện nhiều muỗi Culex – trung gian truyền bệnh Viêm não Nhật Bản. Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long đề nghị địa phương tăng cường tuyên truyền để người dân đưa trẻ đi tiêm vắc xin phòng bệnh; làm vệ sinh môi trường, diệt muỗi để ngăn ngừa dịch bệnh. |
Kiểm tra trực tiếp tại các hộ dân ở buôn Yang Lăh 1, xã Đắk Liêng (một trong những điểm nóng về SXH của huyện), Đoàn kiểm tra phát hiện một số hộ gia đình sử dụng bể chứa nước mưa không đậy nắp; lốp xe công nông cũ không còn sử dụng để ngoài vườn và các dụng cụ phế phẩm chứa nước đọng không được xử lý tạo điều kiện cho muỗi đẻ trứng, dẫn đến lăng quăng (bọ gậy) phát triển; nhiều người dân nắm được kiến thức về phòng chống SXH nhưng lại chưa biến thành hành động cụ thể. Đặc biệt, chỉ số BI (số dụng cụ chứa nước có lăng quăng/100 nhà điều tra) tại đây lên đến 77% (cao hơn 3 lần mức cho phép); mật độ muỗi đo được cũng cao hơn mức bình thường.
Trong buổi làm việc với lãnh đạo UBND huyện và Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh của huyện, Giám đốc Sở Y tế Doãn Hữu Long, Trưởng đoàn kiểm tra nhận định: “Những năm trước, huyện Lắk là địa bàn ít có người mắc SXH, nhưng năm nay số người mắc bệnh lại tăng đột biến. Hơn nữa, các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh còn nhiều, đây cũng là điều kiện thuận lợi cho bệnh do vi rút Zika phát triển, bởi bệnh này có véc tơ truyền bệnh giống như SXH. Nếu địa phương không quan tâm, làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh sẽ xảy ra nguy cơ dịch bệnh kép”. Do đó, để công tác phòng chống dịch bệnh đạt hiệu quả hơn, huyện phải đẩy mạnh hoạt động truyền thông, làm sao để người dân chuyển biến từ nhận thức sang hành động, chủ động vệ sinh môi trường, diệt muỗi, lăng quăng (bọ gậy); giám sát véc tơ chặt chẽ, quan tâm theo dõi để giảm nguy cơ bệnh do vi rút Zika...
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc