Multimedia Đọc Báo in

Nan giải tình trạng suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi ở Ea Súp

16:07, 02/07/2017

Huyện Ea Súp là một trong những địa phương có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng (SDD) cao nhất của tỉnh, nhưng để cải thiện tình trạng này không dễ dàng.

Sinh đứa con thứ 2 chưa đầy 2 tháng, nhưng Rmah H’mah (23 tuổi, ở thôn 8, xã Ea Rốk, huyện Ea Súp) không có được chế độ ăn uống của sản phụ sau sinh nên người lúc nào cũng xanh xao, gầy gò, ít sữa cho con bú. Rmah kể: Em mới sinh con, không đi làm được lại tốn kém đủ bề. Trong khi chồng đi làm thuê, việc làm thất thường nên tiền bạc thiếu trước hụt sau, phải chi tiêu hết sức tằn tiện. Bữa ăn chỉ có cơm trắng với rau, muối, họa hoằn mới có được miếng thịt, cá gọi là để cải thiện nên đứa con đầu của vợ chồng em đã 4 tuổi, nhưng thấp, bé hơn nhiều so với những đứa trẻ khác, đứa bé mới sinh phải ăn dặm thêm nước cơm.

Ở thôn 8, những đứa trẻ bị SDD như con trai của Rmah khá nhiều. Chị H’Yuer Siu, cộng tác viên dinh dưỡng của thôn cho biết: Hằng tháng tôi đều đến các gia đình có con nhỏ để tuyên truyền, hướng dẫn chị em cách cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, hầu hết các gia đình trong thôn đều sinh nhiều con, trong khi đời sống kinh tế khó khăn nên việc chăm sóc trẻ ít được quan tâm. Vì vậy, tỷ lệ SDD trẻ dưới 5 tuổi ở thôn còn rất cao. Cụ thể, SDD cân nặng theo tuổi là 35,6% và SDD chiều cao theo tuổi là 37,8%.

Cán bộ Trung tâm  Y tế huyện Ea Súp hướng dẫn bà mẹ  có con nhỏ trên địa bàn cách cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng.
Cán bộ Trung tâm Y tế huyện Ea Súp hướng dẫn bà mẹ có con nhỏ trên địa bàn cách cho trẻ ăn đủ chất dinh dưỡng.

Không chỉ Ea Rốk mà nhiều xã khác trên địa bàn huyện cũng có tình trạng tương tự. Theo chị Khổng Thị An, Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện, hiện toàn huyện có tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi SDD cân nặng là 20,22% và SDD chiều cao là 27,69%, cao hơn mức bình quân chung của toàn tỉnh (20,1%). Nguyên nhân là do đời sống nhân dân khó khăn (tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 50%), chế độ dinh dưỡng trong các bữa ăn chưa bảo đảm, thiếu nhiều vi chất dẫn đến khả năng hấp thụ kém, còi xương; tập quán nuôi con nhỏ của đồng bào dân tộc thiểu số còn nhiều hạn chế. Mặt khác, nhiều bà mẹ thiếu kinh nghiệm, chăm sóc trẻ chưa hợp lý.

 

“Để ngăn ngừa SDD ở trẻ nhỏ, các gia đình cần lưu ý trong việc bổ sung thực phẩm, dưỡng chất cho trẻ trong các bữa ăn hằng ngày; giữ vệ sinh trong ăn uống; tăng cường các thức ăn dễ tiêu cho trẻ và bổ sung men vi sinh nhằm tạo sự cân bằng vi khuẩn đường ruột, tăng sự hấp thụ thức ăn và chất dinh dưỡng”

 

 
Phó Trưởng khoa Chăm sóc sức khỏe sinh sản, Trung tâm Y tế huyện Ea Súp Khổng Thị An 

Được biết, để cải thiện tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn huyện, hằng năm, Trung tâm Y tế huyện đã chỉ đạo các trạm y tế xã, thị trấn đẩy mạnh các hoạt động phòng chống SDD: cân, đo trẻ định kỳ; hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho bà mẹ mang thai, có con dưới 2 tuổi; truyền thông giáo dục kiến thức nuôi con khoẻ; tiêm chủng, cho trẻ uống Vitamin A… Trong đó, hoạt động truyền thông được Trung tâm phối hợp triển khai thường xuyên theo từng tháng, quý, năm. Bên cạnh tuyên truyền trên hệ thống loa phát thanh của xã, tư vấn trực tiếp tại các hộ gia đình, Trung tâm còn tổ chức các buổi tư vấn, thực hành dinh dưỡng để phổ biến kiến thức, hướng dẫn các bà mẹ cách lựa chọn thực phẩm, tổ chức bữa ăn cho trẻ nhỏ. Cùng với đó, Trung tâm còn tăng cường công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ cán bộ chuyên trách, cộng tác viên, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra.

Bác sĩ Nguyễn Văn Lý, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Ea Súp cho biết, trong thời gian tới, Trung tâm tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền để các bậc phụ huynh chuyển đổi hành vi từ có hại sang có lợi nhằm cải thiện tình trạng SDD trẻ em dưới 5 tuổi trên địa bàn. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này, điều quan trọng nhất là phải đưa phòng chống SDD trẻ em trở thành một hoạt động xã hội, huy động được mọi nguồn lực cùng tham gia, với sự chung tay góp sức của cả cộng đồng, nhất là sự chủ động trong thay đổi thực hành của mỗi gia đình.

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.