Bệnh động kinh: Chú trọng phát hiện sớm và tuân thủ nghiêm túc việc điều trị
Động kinh là một bệnh mạn tính, xảy ra do một rối loạn từ các tín hiệu điện trong não, gây co giật tái diễn và làm mất ý thức tạm thời.
Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1979, trú xã Cư Êbur, TP. Buôn Ma Thuột), trước khi vào Bệnh viện Tâm thần tỉnh điều trị, chị thường xuyên bị lên cơn co giật toàn thân, sùi bọt mép. Tình trạng này cứ tái diễn liên tục khiến bệnh bị biến chứng nặng, mắc thêm bệnh thiểu năng trí tuệ. Mặc dù đã 38 tuổi nhưng chị Huyền cứ ngơ ngác, ngờ nghệch, cười nói vô thức chẳng khác gì một đứa trẻ lên 3; mọi sinh hoạt cá nhân từ ăn uống, tắm giặt đều cần sự hỗ trợ của người thân. Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, Trưởng Khoa nữ điều trị nữ cấp và bán cấp (Bệnh viện Tâm thần tỉnh), cho biết, chị Huyền bị động kinh do bị ngạt từ lúc mới sinh. Tuy nhiên, nguyên nhân dẫn đến biến chứng của chị là do mắc bệnh động kinh mà không được chữa trị ổn định, uống thuốc cũng không tuân theo phác đồ điều trị của bác sĩ, để lên cơn co giật thường xuyên trong thời gian dài.
Một trường hợp khác cũng đang điều trị bệnh động kinh tại Bệnh viện Tâm thần tỉnh là chị H’Knul Êban (SN 1995, ở xã Ea Đrông, TX. Buôn Hồ). Chị H’Knul mắc căn bệnh này gần 4 năm nay do bị sang chấn vùng đầu trong một lần can ngăn hàng xóm đánh nhau. Theo người nhà chị H’Knul, từ ngày chị mắc bệnh, cuộc sống của gia đình gặp nhiều khó khăn hơn vì phải có người trông nom, để ý đến H’Knul vì bất cứ lúc nào chị cũng có thể lên cơn co giật, có hôm lên cơn từ 3-4 lần.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bé, động kinh là căn bệnh khá phổ biến. Ở nước ta có khoảng 2% dân số mắc căn bệnh này, tương đương với khoảng 2 triệu người mắc bệnh, trong đó trẻ em chiếm khoảng 60%. Hiện nay, trung bình một ngày Bệnh viện Tâm thần tỉnh khám và điều trị cho khoảng 30 bệnh nhân mắc bệnh động kinh, có ngày lên đến 40 người, trong số đó có khoảng 60% trường hợp mắc bệnh không rõ nguyên nhân, những trường hợp còn lại mắc bệnh là do tổn thương não, chấn thương lúc sinh, ngộ độc, nhiễm trùng hệ thần kinh trung ương, chấn thương đầu, tai biến mạch máu não…
Bệnh động kinh nếu không được chữa trị sớm để khống chế những cơn co giật hoặc chữa trị mà không tuân thủ nghiêm túc phác đồ điều trị của các bác sĩ, lâu dần người bệnh sẽ bị thiểu năng trí tuệ, thay đổi nhân cách, tính tình, gây phiền phức cho những người xung quanh, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. |
Bệnh động kinh có nhiều biểu hiện rất đa dạng. Nhưng biểu hiện hay gặp nhất là lúc đầu, người bệnh có thể đột ngột kêu to lên rồi vật ngã xuống đất, có khi bất tỉnh; tiếp theo là hiện tượng co quắp ở toàn thân trong vòng từ 10 - 20 giây rồi tới cơn giật chân, tay, người, mắt trợn ngược. Sau đó, toàn thân được thả lỏng trở lại với một số hiện tượng có thể xảy ra, như: sùi bọt mép, tiểu tiện không chủ động, thở mạnh thành tiếng. Người bệnh tỉnh lại nhưng không hề hay biết những gì vừa xảy ra với mình. Ngoài ra, cũng có những trường hợp bị động kinh mà người bệnh đột ngột mất ý thức, ngừng mọi hoạt động trong thời gian rất ngắn, khoảng vài chục giây, lúc đó, người bệnh đờ đẫn, mắt nhìn vô hồn, đánh rơi đồ vật đang cầm nắm… Đối với trẻ em, một số biểu hiện đôi khi chỉ là hiện tượng co giật nhẹ ở tay và chân hoặc đứa trẻ cong người, trợn mắt lên trong một lát rồi thôi.
Bệnh động kinh chủ yếu điều trị bằng thuốc, việc lựa chọn thuốc tùy thuộc vào nhiều yếu tố, như: loại cơn động kinh, nguyên nhân, tuổi, giới tính, tình trạng bệnh lý đi kèm… Tuy nhiên, hiện nay có rất nhiều người tự ý mua thuốc về điều trị hoặc khi đang điều trị mà thấy không còn cơn động kinh liền bỏ thuốc nửa chừng. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp chữa bệnh theo phương pháp mê tín dị đoan như: mời thầy về cúng, làm phép… không chỉ khiến mất đi thời gian quý báu ban đầu để chữa trị sớm cho bệnh nhân mà còn làm tình trạng bệnh nặng hơn, gây khó khăn hơn cho việc điều trị sau này.
Vì vậy, các bác sĩ khuyến cáo: khi có các dấu hiệu nghi ngờ về bệnh động kinh, cần đưa người bệnh đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để khám, xác định tình trạng bệnh. Nếu được phát hiện sớm, điều trị kịp thời, dùng đúng thuốc và tuân thủ đúng phác đồ điều trị, trên 70% bệnh nhân sẽ không còn cơn động kinh, số còn lại tuy còn cơn nhưng giảm về cường độ và số lần xuất hiện. Đặc biệt, trong quá trình điều trị, người bệnh cần phối hợp chặt chẽ với thầy thuốc để theo dõi diễn biến lâm sàng của bệnh và tác dụng không mong muốn của thuốc nếu có, từ đó kịp thời điều chỉnh liều lượng thuốc phù hợp hoặc thay thế thuốc cần thiết.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc