Multimedia Đọc Báo in

Chăm sóc người cao tuổi: Cần tình thương hơn thuốc

11:51, 22/10/2017

Do đặc điểm của cơ thể, ở người cao tuổi, bệnh tật thường có nhiều diễn biến khó lường. Vai trò của thân nhân gia đình trong chăm sóc người bệnh cao tuổi là đặc biệt quan trọng.

Thời gian qua, các bệnh nhân Khoa Lão (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh) đã quen thuộc với hình ảnh anh Trần Quốc Bảo (xã Hòa Đông, huyện Krông Pắc) chăm sóc mẹ già bị bệnh tai biến. Cụ bà bị di chứng nặng sau cơn đột quỵ nên mọi vấn đề sinh hoạt cá nhân đều phải có người trợ giúp. Hằng ngày, ngoài giờ chăm sóc của bệnh viện, anh Bảo dành 3 giờ để đưa mẹ mình đến phòng phục hồi chức năng tập vận động. Do gia đình có con cháu ở gần, lại hiếu thảo, lúc nào cũng có người thường trực chăm sóc nên sức khỏe của cụ mỗi ngày một tốt hơn.

Bên cạnh công tác điều trị, việc chăm sóc của người thân trong gia đình mang lại rất nhiều lợi ích cho bệnh nhân cao tuổi. Chính sự quan tâm về tinh thần là yếu tố giúp người bệnh mau chóng hồi phục sức khỏe. Anh Y Sick Êban (buôn Pốk, thị trấn Ea Pốk, huyện Cư M’gar) cũng đã dành nhiều thời gian để chăm sóc ông nội khi cụ không thể đi lại. Với anh, ở bệnh viện thì phải tuyệt đối tin tưởng vào chuyên môn của thầy thuốc; song về tinh thần thì chỉ có sự thương yêu gần gũi của con cháu trong gia đình mới là liều thuốc tinh thần tốt nhất để giúp cụ mau khỏe. 

gia đình mà cụ Lò Thị Tín thọ100 tuổi ở xã Tân Hòa huyện Buôn Đôn có 4 thế hệ con cháu chung sống. Cụ vừa được  nhận quà của chủ tịch nước nhân ngày quốc tế người cao tuổi 1-10- 2017
Gia đình cụ Lò Thị Tín thọ100 tuổi ở xã Tân Hòa huyện Buôn Đôn có 4 thế hệ con cháu chung sống. Cụ vừa được nhận quà của chủ tịch nước nhân ngày quốc tế người cao tuổi 1-10- 2017.

Trung bình một ngày, Khoa Lão tiếp nhận khám và điều trị cho từ 15-20 bệnh nhân. Bệnh nhân điều trị tại khoa hầu hết đều trên 60 tuổi, mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, tim mạch, huyết áp cao, thoái hóa cột sống và liệt do tai biến mạch máu não... Bác sĩ chuyên khoa I Phạm Ngọc Liễu, Trưởng Khoa Lão cho biết: “Người cao tuổi thường mang trong mình nhiều bệnh lý nên việc điều trị cần đặc biệt hơn. Người già cũng có tâm lý nhạy cảm hơn nên cần được hiểu và chăm sóc theo cách riêng”.

Khoa Lão trở thành không gian riêng của những người cao tuổi trong bệnh viện. Tại đây, họ có những người bạn cùng độ tuổi để tâm sự, chia sẻ những câu chuyện về đời sống. Họ có chung hoàn cảnh để hiểu, cảm thông và giúp đỡ lẫn nhau trong sinh hoạt cá nhân. Bên cạnh đó, sự chăm sóc nhiệt tình, chu đáo của các cán bộ y tế khiến bệnh nhân cảm thấy thoải mái về tinh thần, từ đó tác động tốt đến việc phục hồi sức khỏe.

Theo chị Nguyễn Thị Thanh, Trưởng Phòng Điều dưỡng (Bệnh viện Y học cổ truyền tỉnh), do khó khăn về cơ sở vật chất, Khoa Lão chưa triển khai công tác chăm sóc toàn diện cho người cao tuổi được nên cứ một bệnh nhân cao tuổi đến bệnh viện thì phải có ít nhất một người nhà đi kèm. Tùy thuộc vào từng loại bệnh mà các bác sĩ trong khoa sẽ đưa ra hướng dẫn cách chăm sóc hợp lý cho người nhà bệnh nhân. Dù cách chăm sóc từng loại bệnh khác nhau song điều cần nhất vẫn là con cháu, người thân trong gia đình phải gần gũi hỏi han, chăm sóc, chia sẻ tình cảm với ông bà, cha mẹ bởi đối với người bệnh cao tuổi thì việc chăm sóc tốt về tinh thần là “liều thuốc” mạnh hơn bất cứ loại kháng sinh nào, giúp người bệnh mau hồi phục sức khỏe.

Xuân Hòa – Bình Thi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.