Multimedia Đọc Báo in

Vấn đề sinh con với người nhiễm HIV

14:59, 15/10/2017

Quá trình mang thai và làm mẹ là một trong những thay đổi thú vị nhất trong cuộc đời người phụ nữ, nhất là những người lần đầu làm mẹ. Đối với những người không may mang trong mình virus HIV, khao khát được sinh con, được làm cha mẹ lại càng mãnh liệt.

Hằng ngày, cán bộ Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh vẫn gặp nhiều người nhiễm HIV đang điều trị tại các cơ sở y tế đến để được tư vấn về vấn đề sinh con. Tại đây, cán bộ tư vấn sẽ giải thích đầy đủ cách phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con, cách chăm sóc trẻ nếu như có dự định sinh con. Tuy nhiên, một khi đã nhiễm HIV thì nên cân nhắc trước khi quyết định sinh con. Dù biện pháp can thiệp trong phòng tránh lây truyền HIV từ mẹ sang con khá hiệu quả, nhưng các cặp vợ chồng nhiễm HIV cũng nên suy tính kỹ trước khi mang thai. Chưa kể quá trình mang thai, sinh nở khiến sức khỏe người mẹ giảm sút nhiều, sức đề kháng suy giảm, nguy cơ chuyển từ HIV sang AIDS nhanh chóng hơn.

Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.
Phụ nữ mang thai xét nghiệm HIV tại Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS tỉnh.

Theo thống kê của Bộ Y tế, nguyên nhân phổ biến nhất gây nhiễm HIV ở trẻ dưới 15 tuổi là lây truyền từ mẹ sang con. Sự lây truyền HIV từ mẹ sang con có thể xảy ra trong thời kỳ mang thai virus sẽ lây truyền qua nhau thai bị tổn thương; thời kỳ chuyển dạ khi đứa trẻ “đi qua” đường sinh dục của mẹ để ra ngoài đã tiếp xúc trực tiếp với dịch âm đạo; sau khi sinh, trẻ vẫn có thể nhiễm HIV trong quá trình bú sữa mẹ, vì lúc này virus HIV dễ dàng truyền sang cơ thể bé qua các vết nứt ở núm vú của người mẹ, khi trẻ đang mọc răng, bị tổn thương ở niêm mạc miệng hay HIV trong sữa mẹ có thể lây sang con khi bú.

Dù vậy, không phải người mẹ nhiễm HIV nào cũng sinh con bị nhiễm HIV mà chỉ có 30% thai phụ lây truyền cho con nếu không có can thiệp dự phòng gì. Ngược lại, nếu các bà mẹ này được can thiệp điều trị dự phòng uống thuốc kháng ARV thì trong số 100 trẻ sinh ra có đến 98 trẻ không bị nhiễm HIV. Do vậy, để dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, các bà mẹ nhiễm HIV khi biết mình mang thai nên đi khám thai sớm nhất là trong 3 tháng đầu tiên, tuân thủ điều trị thuốc ARV cho đến khi sinh và cần đến thăm khám tại các cơ sở có chương trình điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con.

Ít người biết rằng những lần khám thai sớm đầu tiên có vai trò cực kỳ quan trọng đối với người phụ nữ cũng như đứa con của họ để phát hiện kịp thời các nguy cơ bệnh lý tiềm ẩn bên trong đứa trẻ, nhất là có thể phát hiện người mẹ nhiễm HIV, đây có thể được xem là cơ hội vàng, người mẹ có HIV sẽ được điều trị dự phòng để sinh ra em bé khỏe mạnh an toàn.

Hiện nay, Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con đang được triển khai ở các địa phương với mục đích phát hiện sớm tình trạng nhiễm HIV của người mẹ. Trong việc điều trị dự phòng từ khi thai 14 tuần tuổi, người mẹ được tư vấn chăm sóc thai nghén, dinh dưỡng và chuẩn bị kỹ lưỡng cho cuộc sinh đẻ. Ngay sau khi sinh ra, trẻ sẽ được dùng thuốc ARV để điều trị dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ. Tình trạng nhiễm HIV của trẻ sẽ được khẳng định bằng xét nghiệm HIV khi đủ 18 tháng theo quy định và nếu âm tính, trẻ sẽ phát triển khỏe mạnh bình thường. 

Nguyễn Công Thành


Ý kiến bạn đọc


(Video) TP. Buôn Ma Thuột tiên phong trong cải cách hành chính
TP. Buôn Ma Thuột đang đẩy mạnh cải cách hành chính trên tất cả các ngành, lĩnh vực, địa phương, hướng tới xây dựng chính quyền số. Người dân cũng đã thay đổi, sẵn sàng đón nhận, trải nghiệm những công nghệ, dịch vụ mới và dần trở thành nhân tố tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số.