Chủ động vệ sinh môi trường phòng chống sốt xuất huyết
Từ tháng 7 đến nay, bệnh sốt xuất huyết (SXH) đã bùng phát tại nhiều địa phương trong tỉnh. Đặc biệt, từ đầu tháng 9, số người mắc SXH tăng gấp 7 lần so với những tuần trước đó. Thế nhưng, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chưa thật sự chủ động trong việc phòng chống dịch bệnh này.
Vừa cho con xuất viện sau một thời gian điều trị SXH, chị H’Lương Mlô ở buôn Păn Lăm, phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột không khỏi tự trách mình trước đây không chú ý phòng chống bệnh này. Do mải buôn bán nên chị ít có thời gian dọn dẹp vệ sinh nhà cửa, hôm thấy con bị sốt, chị nghĩ chỉ bị cảm sốt thông thường nên tự mua thuốc về cho cháu uống. Đến khi thấy cháu sốt cao không hạ chị mới vội đưa vào bệnh viện và được bác sĩ chẩn đoán cháu bị SXH nặng, may là vẫn được điều trị kịp thời... Cùng với con chị H’Lương, trên địa bàn phường Tân Lập cũng có nhiều người mắc SXH. Phường có 2 trong tổng số 7 ổ dịch sốt xuất huyết của TP. Buôn Ma Thuột, nhưng đáng lo là người dân ở đây chưa quan tâm lắm đến việc dọn dẹp vệ sinh phòng bệnh SXH, vẫn vô tư xả rác bừa bãi, chai lọ vứt ngổn ngang, thậm chí bãi rác còn nằm sát bên hông nhà. Nhiều nhà vẫn chủ quan vì thấy trong gia đình chưa có ai mắc bệnh, khi nào cán bộ y tế đến tận nơi tuyên truyền, vận động, họ mới tham gia làm vệ sinh cho có lệ, cán bộ y tế đi rồi thì đâu lại vào đó.
Một trường hợp mắc SXH điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. |
Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính do siêu vi trùng Dengue gây ra. Bệnh lây lan thông qua loại muỗi vằn hút máu từ người bệnh truyền sang người lành. Biểu hiện của SXH thường khởi phát rất đột ngột, nhưng tiến triển qua 3 giai đoạn: sốt nóng từ 39-40o, kéo dài 3-4 ngày liền; xuất huyết (chảy máu) trên da với những chấm đỏ hay vết bầm; giai đoạn sốc khi bệnh đã chuyển nặng... Hiện chưa có vắc xin phòng bệnh SXH, vì thế biện pháp phòng bệnh tốt nhất là vệ sinh môi trường, loại bỏ muỗi, lăng quăng. |
Thống kê của Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh cho thấy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã ghi nhận 1.680 ca sốt xuất huyết tại 15 huyện, thị xã, thành phố với trên 50 ổ dịch, giảm khoảng 80% số ca mắc so với cùng kỳ năm 2016. Trong đó, số mắc mới tập trung nhiều ở TP. Buôn Ma Thuột, các huyện Cư M’gar, Buôn Đôn và Ea Kar. Tuy nhiên, trong thời điểm từ cuối tháng 7 đến nay, số lượng bệnh nhân tăng vọt. Nếu như trước đây, mỗi tuần toàn tỉnh ghi nhận khoảng 10 trường hợp mắc bệnh thì nay mỗi tuần phát hiện gần 100 trường hợp. Điều đáng nói, trong khi bệnh SXH đang có dấu hiệu bùng phát thì ý thức người dân phòng chống dịch bệnh này lại rất hạn chế. Theo bác sĩ Phạm Văn Lào, Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, qua kiểm tra thực tế tại một số địa phương trong tỉnh đã phát hiện chỉ số côn trùng vẫn ở mức cao; tỉ lệ nhiễm bọ gậy vẫn tập trung nhiều ở chậu hoa, lốp xe, dụng cụ phế thải. Đặc biệt, càng ở các khu vực trung tâm như thành phố, thị xã, thị trấn, chỉ số côn trùng càng cao.
Trước tình hình bệnh SXH đang gia tăng, Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh và Trung tâm Y tế các huyện, thị xã, thành phố đã triển khai đồng bộ các giải pháp phòng chống: kiểm tra, giám sát tất cả các ổ dịch cũ, những nơi có nguy cơ cao, có dấu hiệu bùng phát dịch bệnh; giám sát chặt chẽ tình hình dịch tễ, thường xuyên điều tra chỉ số côn trùng, bọ gậy; chủ động tập huấn, tập huấn lại kiến thức về phòng chống SXH cho cán bộ y tế các tuyến từ tỉnh, huyện đến xã, thôn, buôn; tăng cường truyền thông nâng cao ý thức của người dân về phòng chống SXH. Đồng thời, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng tiếp nhận, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh, hạn chế thấp nhất tình trạng tử vong do SXH. Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Văn Lào cũng cho rằng, bên cạnh hoạt động phòng chống SXH của ngành Y tế, mỗi người dân, hộ gia đình phải chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống bệnh, có như vậy mới khống chế được dịch bệnh bùng phát trở lại.
Kim Oanh
Ý kiến bạn đọc