Multimedia Đọc Báo in

Nỗi niềm bác sĩ "Ết"

16:23, 13/02/2018

Dù công tác trong môi trường còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, thậm chí còn bị người thân, bạn bè, đồng nghiệp e ngại khi tiếp xúc, song những người thầy thuốc điều trị bệnh nhân HIV/AIDS vẫn kiên trì, sát cánh cùng người bệnh chiến đấu với căn bệnh thế kỷ...

Không dám nói về… nơi công tác       

Không giống như các cơ sở y tế khác, Phòng Khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh không tấp nập người ra vào. Phía bên trong lại càng yên ắng hơn, bởi các hoạt động xét nghiệm, khám, điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS đều diễn ra trong từng phòng riêng biệt để giữ “bí mật” danh tính cho người bệnh. Song, điều đáng trân trọng là các y bác sĩ ở đây không chỉ vững vàng về chuyên môn mà còn có sự đồng cảm, chia sẻ với người nhiễm HIV/AIDS, xem bệnh nhân như người nhà, thông thuộc từng cái tên, hoàn cảnh, tình trạng bệnh. Mỗi cuộc gặp gỡ với bệnh nhân, ngoài lời hướng dẫn cách sử dụng thuốc, chăm sóc sức khỏe, còn là những câu chuyện đời thường, sự an ủi, động viên.

Bác sĩ Đào Thị Hảo tư vấn cho đối tượng có nguy cơ làm xét nghiệm HIV.
Bác sĩ Đào Thị Hảo tư vấn cho đối tượng có nguy cơ làm xét nghiệm HIV.

Tận tụy với bệnh nhân là vậy, nhưng khi ra bên ngoài tiếp xúc với bạn bè, đồng nghiệp, họ lại không dám nhắc đến chuyên ngành mình đang công tác, thậm chí đôi khi còn giấu cả tên cơ quan. Đó chính là nghịch lý đang diễn ra ở nơi chuyên điều trị cho các bệnh nhân bị nhiễm HIV. Bác sĩ Đào Thị Hảo, Phó Phòng Khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh chia sẻ: Hiện nay, nhiều người vẫn có tư tưởng kỳ thị với người nhiễm HIV/AIDS, kéo theo kỳ thị với cả cán bộ y tế làm công tác tư vấn, chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS. Thậm chí có những đồng nghiệp làm ở các lĩnh vực khác cũng tỏ thái độ xem thường, hoài nghi chúng tôi có “vấn đề” gì không mà lại làm việc trong môi trường này.

Cũng làm việc tại phòng khám này, bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp bộc bạch: “Có khá nhiều người không hiểu hết công việc chúng tôi đang làm, khi biết nơi tôi công tác thì liền nghĩ chắc tôi cũng bị nhiễm HIV nên ái ngại, không muốn tiếp xúc. Đã rất nhiều lần tôi rơi vào tình huống bị nhiều người, ngay cả một số bạn bè, họ hàng né tránh sau khi biết nơi làm việc, rồi còn xì xầm bàn tán về công việc của mình. Dần dần tôi rút ra kinh nghiệm khi không cần thiết không nên nói rõ nơi công tác của mình”.

Tiếp xúc với các y bác sĩ ở Phòng khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, vài câu chuyện vui họ thường kể là những nữ y bác sĩ trẻ nơi đây thường hay bị gia đình người yêu phản đối, thậm chí khi lấy chồng rồi còn phải ăn riêng vì người thân bên nhà chồng sợ lây bệnh! Kể xong họ lại cười, nhưng nụ cười ấy hàm chứa bao nỗi ưu tư.

Nguy hiểm cận kề

Trên thực tế, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS vào điều trị tại Phòng Khám chuyên khoa điều trị HIV/AIDS và điều trị nghiện chất, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh thường bị nhiều bệnh nhiễm trùng cơ hội và khá nhiều người mắc bệnh lao, thậm chí một số bệnh nhân còn mắc lao phổi rất dễ lây nhiễm.

Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp thăm khám sức khỏe định kỳ cho người bệnh.
Bác sĩ Lê Thị Ngọc Diệp thăm khám sức khỏe định kỳ cho người bệnh.

 

 

Hy vọng Nhà nước có chính sách đãi ngộ tốt hơn cho người thầy thuốc trực tiếp làm công tác chăm sóc, điều trị bệnh nhân HIV/AIDS để chúng tôi có thêm sự động viên, khích lệ mà vững bước trong công việc mình đã lựa chọn”.

 

 
Bác sĩ H’Ouil, Phòng Xét nghiệm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh

Đề cập đến những hiểm nguy, phơi nhiễm bệnh, bác sĩ H’Ouil Byă, Phòng Xét nghiệm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS tỉnh tâm sự: “14 năm làm công việc trực tiếp tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, đã có không ít lần tôi bị bệnh nhân đe dọa, chửi bới. Không những thế, quá trình tiếp xúc với người nhiễm HIV/AIDS, thậm chí là máu của họ nguy cơ phơi nhiễm với HIV tuy chưa xảy ra, nhưng chuyện phơi nhiễm các bệnh nhiễm trùng cơ hội như lao, bệnh về da, nấm là khó tránh khỏi. Dù vậy, đã xác định gắn bó với nghề thì tôi nghĩ mình cũng phải chấp nhận rủi ro”.

Mong muốn lớn nhất của các y bác sĩ nơi đây là được quan tâm, tạo điều kiện cho đào tạo chuyên sâu về HIV/AIDS, từ đó có kiến thức tốt nhất để điều trị cho bệnh nhân. Bởi như lời bác sĩ Đào Thị Hảo thì hầu hết các y bác sĩ chỉ mới được đào tạo chung trong lĩnh vực bệnh truyền nhiễm chứ chưa đào tạo chuyên sâu cho HIV/AIDS, vì vậy, năng lực sẽ bị hạn chế nhất định. Trong khi đó, bệnh nhân khi bước vào giai đoạn cuối, muốn được điều trị tích cực phải tìm đến các bệnh viện chuyên khoa lớn, chi phí điều trị, đi lại rất tốn kém mà người nhiễm HIV/AIDS hầu hết lại là người nghèo, ít có người thân nên cơ hội tiếp cận sẽ không nhiều.

Trong môi trường làm việc hết sức khó khăn, nguy hiểm, chế độ cũng chỉ có lương, phụ cấp khó khăn, đặc thù, rồi còn phải đối mặt với những suy nghĩ chưa đúng và còn có sự kỳ thị của cộng đồng, có lẽ cái tình, cái nghiệp đã níu chân những cán bộ y bác sĩ nơi đây. 

Kim Oanh


Ý kiến bạn đọc