Phòng tránh bệnh viêm họng khi thời tiết thay đổi
Thời tiết thay đổi, từ nắng nóng chuyển sang lạnh sẽ khiến cho nhiều người dễ bị viêm họng, gây ra những triệu chứng khó chịu ảnh hưởng đến sức khỏe và sinh hoạt hằng ngày.
Người bị viêm họng thường có những biểu hiện như đau rát cổ họng, nhất là khi nuốt, ho và nói; sốt nhẹ, ngạt mũi, sụt sịt, chảy nước mũi; có thể khản giọng, ho khan hoặc là ho có đờm; amidan bị sưng to, trên bề mặt xuất hiện chất nhầy trong, có khi là có mủ trắng phủ bên trên bề mặt, bị sưng hạch ở cổ. Trường hợp viêm họng cấp do virus gây ra sẽ có những triệu chứng nặng hơn, như: đau đầu, rát họng, xuất huyết ở thành sau họng, có biểu hiện niêm mạc họng bị đỏ, xuất tiết ở mũi, cổ bị sưng hạch…
Bác sĩ Nguyễn Bình Hải, khoa Khám (Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh) cho biết: “Tình trạng viêm họng vào mùa lạnh thường diễn ra trong 3-4 ngày, nếu người bệnh có sức đề kháng tốt, bệnh sẽ nhanh khỏi, các triệu chứng khó chịu sẽ thuyên giảm. Nhưng đối với những người có sức đề kháng yếu như trẻ nhỏ, người cao tuổi thì bệnh có thể có diễn tiến phức tạp, nếu không được điều trị kịp thời và đúng cách có thể có những biến chứng như: viêm mũi, viêm tai, viêm phế quản hoặc trở thành viêm họng mạn tính”. Như trường hợp chị Trần Thị Nguyên (xã Ea Bar, huyện Buôn Đôn) bị viêm họng mạn tính gần một năm nay mà nguyên nhân là do chủ quan trong quá trình điều trị bệnh. Chị Nguyên kể: “Trước đây, mỗi khi thời tiết chuyển mùa, tôi thường bị ho, sưng amidan và sốt liên tục, người lúc nào cũng mệt mỏi. Những lúc bị như vậy tôi toàn tự mua thuốc về uống. Thời gian sau này, tình trạng đó hay tái diễn, có đợt tôi phải uống thuốc gần 15 ngày mà bệnh vẫn không khỏi. Đến bệnh viện khám, tôi mới biết mình bị viêm họng mạn tính. Giờ tôi phải ăn uống kiêng khem nhiều thứ, đặc biệt vào mùa lạnh bệnh rất dễ tái phát nếu không biết cách chăm sóc cổ họng”.
Nguyên nhân gây bệnh viêm họng, theo bác sĩ Hải, đầu tiên phải kể đến virus adeno, rhino, virus hợp bào đường thở, cúm, sởi và các loại virus khác, như: các loại liên cầu, tụ cầu, phế quản. Một nguyên nhân khác thường gặp là do ô nhiễm môi trường nhiều khói bụi, khí thải, do thay đổi khí hậu đột ngột. Ngoài ra, những người có thói quen không tốt, như: uống nhiều nước đá, sử dụng thực phẩm không bảo đảm, dùng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá…; vệ sinh răng miệng không đúng cách cũng tạo điều kiện cho các vi khuẩn cư trú trong vòm miệng gây viêm nhiễm.
Khi mắc các bệnh về răng miệng, xoang, mũi, cần điều trị triệt để tránh bệnh diễn tiến lây lan gây viêm họng. Uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ, đúng phác đồ kháng sinh đã được kê toa, uống đúng thuốc, đúng thời gian và đủ liều, không tự ý mua thuốc kháng sinh để điều trị mà chưa tham khảo ý kiến bác sĩ vì có thể dẫn tới tình trạng kháng thuốc, khó điều trị bệnh hơn. |
Vì vậy, để phòng bệnh viêm họng, mọi người nên lưu ý thực hiện chế độ ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng giúp cơ thể tăng cường sức đề kháng chống lại nhiều bệnh tật. Nên cung cấp đầy đủ các chất đạm, nhiều vitamin trong bữa ăn hằng ngày. Ăn uống phải bảo đảm vệ sinh, không được dùng những thức ăn đã bị ôi thiu hay hết hạn sử dụng.
Đối với trẻ nhỏ, cần được chăm sóc chu đáo để tránh trẻ bị nhiễm lạnh khi đi ra ngoài, như: mặc ấm, quàng khăn, đi tất, đeo khẩu trang, tránh gió lùa. Tuy nhiên, cũng không nên cho trẻ mặc quá nhiều quần áo vì cơ thể trẻ rất hay ra mồ hôi, dễ bị nhiễm lạnh ngược; tắm cho trẻ bằng nước ấm, ở nơi kín gió; không để trẻ mút tay hoặc ngoáy mũi, thường xuyên vệ sinh răng miệng sạch sẽ, tránh nhiễm khuẩn, thực hiện tiêm phòng cho trẻ theo đúng quy định; nếu trẻ bị sốt cao, kéo dài không khỏi hoặc xuất hiện những triệu chứng nặng hơn thì cần phải đưa trẻ đến các cơ sở y tế để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh để bệnh diễn tiến trầm trọng hơn.
Với những người có đường hô hấp nhạy cảm, cần mang khẩu trang khi đi ra ngoài để hạn chế tiếp xúc với không khí lạnh, ngăn ngừa bụi bẩn, giữ ấm cho đường hô hấp trên. Ngoài ra, nên súc miệng bằng nước muối sinh lý hằng ngày, hạn chế uống nước quá lạnh hoặc quá nóng, giữ phòng ngủ luôn thoáng mát và sạch sẽ, tránh gió lùa. Người bệnh cũng nên uống nhiều nước, tập thể dục thể thao thường xuyên để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc