Điều trị sớm để tránh những di chứng nguy hiểm của viêm loét giác mạc
Viêm loét giác mạc là một bệnh lý nguy hiểm thường gặp trong nhãn khoa. Ở Việt Nam, bệnh viêm loét giác mạc là nguyên nhân gây mù lòa đứng thứ 3 sau bệnh đục thủy tinh thể và glôcôm.
Theo các bác sĩ chuyên khoa, viêm loét giác mạc dù được chẩn đoán sớm, điều trị tích cực vẫn để lại di chứng sẹo giác mạc, làm giảm thị lực vĩnh viễn; trường hợp phát hiện bệnh trễ và tự ý điều trị, hoặc điều trị không đúng sẽ bị phồi mắt cua, giác mạc bị hoại tử, thậm chí có thể phải khoét bỏ nhãn cầu.
Giác mạc là một màng mỏng, trong suốt, là bộ phận đầu tiên của mắt tiếp xúc trực tiếp với môi trường bên ngoài nên rất dễ bị tổn thương, tạo điều kiện cho vi khuẩn, virút hoặc nấm xâm nhập gây nên viêm loét giác mạc. Khi giác mạc bị viêm loét, người bệnh có cảm giác, như: đau nhức mắt, chảy nước mắt, sợ ánh sáng, mi mắt nhắm chặt lại, mắt nhìn mờ. Mắt có giác mạc bị viêm loét sẽ đỏ, đặc biệt đỏ nhiều quanh tròng đen, xuất hiện đốm trắng to hay nhỏ ở bất cứ nơi nào trên giác mạc. Theo bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Phó Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh), viêm loét giác mạc có nhiều nguyên nhân, có thể do người bệnh chăm sóc mắt không đúng cách, dùng kính sát tròng không đúng, bị chấn thương mắt trong lao động, sản xuất, ví dụ: bệnh nhân bị bụi, cành cây, mảnh kính vỡ, hạt lúa, đậu… bắn vào giác mạc gây viêm loét. Ngoài ra, người mắc một số bệnh, như: đau mắt đỏ, lông quặm không được điều trị, hở mi do liệt thần kinh số 7… cũng gây viêm loét giác mạc.
Một bệnh nhân đang điều trị bệnh viêm loét giác mạc tại Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh). Ảnh: Q.Nhật |
Theo thống kê, trong năm 2017 và 3 tháng đầu năm 2018, Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) điều trị cho gần 300 bệnh nhân bị viêm loét giác mạc, trong đó điều trị nội trú 200 bệnh nhân và ngoại trú 100 bệnh nhân. Hầu hết, những bệnh nhân nhập viện điều trị đều đến bệnh viện trong tình trạng thị lực giảm, mắt đau nhức, thời gian điều trị phải kéo dài, tốn kém nhưng vẫn để lại hậu quả nặng nề, có trường hợp phải khoét bỏ nhãn cầu. Đơn cử như trường hợp của ông Nguyễn Văn Tân (xã Cư Mốt, huyện Ea H’leo), lúc đầu một bên mắt chỉ bị viêm giác mạc nhưng ông không đi khám mà tự mua thuốc Corticoid về nhỏ; sau hơn 10 ngày thì mắt có dấu hiệu cương mủ. Lúc này, ông mới đến Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) khám và phát hiện bị thủng giác mạc, các tổ chức nội nhãn bị phồi, mắt đau nhức dữ dội, thị lực sáng tối âm tính, không còn chức năng nhìn, vì vậy các bác sĩ quyết định khoét bỏ nhãn cầu cho ông Tân. Còn bà H’Noăn Byă (xã Dang Kang, huyện Krông Bông) trong lúc đi tưới cà phê thì bị cành cà phê gạt vào mắt gây đau nhức, xốn, cộm rất khó chịu. Nghe mọi người mách… nhỏ sữa mẹ vào mắt sẽ đỡ nhức, hết cộm nên bà H’Noăn làm thử. Sau vài ngày, mắt chẳng những không đỡ mà ngày càng đau và chảy nước mắt nhiều hơn, nhìn mọi thứ bắt đầu mờ. Lúc này bà H’Noăn mới được người nhà đưa đến khám tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh thì được các bác sĩ bị viêm loét giác mạc. Bà H’Noăn đã nằm viện 10 ngày mà mắt vẫn chưa khỏi hẳn.
“Viêm loét giác mạc là bệnh cấp tính, cần phải được điều trị sớm. Nếu không, phần loét có thể lan rộng một phần hoặc toàn bộ giác mạc, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của mắt và có thể dẫn tới các biến chứng, như: sẹo giác mạc, phồi mắt cua và làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực... Trường hợp giác mạc bị thủng do ổ loét ăn sâu, nhãn cầu bị teo, không còn chức năng nhìn thì buộc phải bỏ mắt”.
Bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Phó Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh)
|
Viêm loét giác mạc nếu điều trị tốt, khi lành bệnh vẫn có thể để lại vết sẹo. Vì vậy, các bác sĩ cũng lưu ý việc phòng bệnh là rất cần thiết. Khi có dị vật bắn vào mắt, bệnh nhân không dùng tay dụi mắt vì sẽ làm trầy xước giác mạc, nên chớp mắt liên tục trong thau nước sạch để loại bỏ dị vật ra khỏi mắt. Nếu cảm thấy vẫn còn dị vật nên đến cơ sở y tế chuyên khoa để khám và giúp lấy dị vật. Bệnh nhân cần tra thuốc theo chỉ định của bác sĩ; không tự ý nhỏ thuốc khi mắt có những triệu chứng, như: đỏ, cộm, ngứa, chảy nước mắt liên tục hay bị chói sáng; đặc biệt cần đeo kính chống bụi khi ra đường, đeo kính bảo hộ khi làm việc nơi có nhiều bụi, mạt sắt, hàn điện, tuốt lúa… Khi mang kính áp tròng, cần chú ý không rửa kính dưới vòi nước, không sử dụng thời gian kéo dài, phải rửa tay sạch trước khi đeo kính vào mắt.
“Viêm loét giác mạc là bệnh cấp tính, cần phải được điều trị sớm. Nếu không, phần loét có thể lan rộng một phần hoặc toàn bộ giác mạc, ảnh hưởng đến các bộ phận khác của mắt và có thể dẫn tới các biến chứng, như: sẹo giác mạc, phồi mắt cua và làm mất một phần hoặc toàn bộ thị lực... Trường hợp giác mạc bị thủng do ổ loét ăn sâu, nhãn cầu bị teo, không còn chức năng nhìn thì buộc phải bỏ mắt” - Bác sĩ Huỳnh Văn Tạo, Phó Trưởng Khoa Mắt (Bệnh viện Đa khoa tỉnh).
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc