Lợi ích của việc khám thai định kỳ
Thời kỳ mang thai, sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển của thai nhi cũng như việc sinh đẻ, nuôi con bằng sữa mẹ và chăm sóc con sau này... Vì vậy, khám thai định kỳ trong thời kỳ mang thai là việc làm cần thiết và có lợi cho sức khỏe của mẹ và con.
Theo quy định của Bộ Y tế, trong một thai kỳ, người mẹ phải được khám thai ít nhất 3 lần vào 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Khi đi khám thai định kỳ, người mẹ sẽ được các bác sĩ sản khoa tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý, vệ sinh thai nghén, điều kiện sống và sinh hoạt, tiêm phòng uốn ván và uống viên sắt, các dấu hiệu nguy hiểm khi mang thai...
Khoa Phụ sản, sơ sinh - Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh bình quân mỗi ngày tiếp nhận khám cho 130 phụ nữ mang thai; trong đó có từ 10 - 20 trường hợp có vấn đề ảnh hưởng đến sức khỏe của mẹ và con được tầm soát, phát hiện kịp thời. Bác sĩ Chuyên khoa I Niê Thị Lê Mai - Khoa Phụ sản, sơ sinh Bệnh viện Đa khoa Thiện Hạnh cho biết, tùy theo tuổi thai mỗi lần khám thai phải đạt được một số mục tiêu như:
Đo tim thai theo từng chu kỳ có thể giúp xác định phần nào sức khỏe thai nhi. |
- Lần khám thai lần đầu: Thai phụ sẽ được lập sổ theo dõi khám thai, được hỏi chi tiết về tình trạng sức khỏe, bệnh lý chung, các thói quen có thể ảnh hưởng đến thai kỳ, các vấn đề sinh sản mà thai phụ từng gặp phải, được khám thai toàn diện và thực hiện các xét nghiệm cần thiết để phát hiện các bệnh lý sẵn có, đồng thời dự báo về ngày sinh. Ngoài ra, thai phụ còn được giải thích về những thay đổi trong thai kỳ, được hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng cũng như các loại thuốc bồi dưỡng.
- Lần khám thai 3 tháng giữa: Giúp xác định số lượng thai, theo dõi sự phát triển của thai, phát hiện các bệnh lý bất thường của thai phụ. Lúc thai được 12-14 tuần là thời điểm duy nhất có thể đo độ mờ da gáy nhằm dự đoán số nhiễm sắc thể bất thường gây ra hội chứng Down, dị dạng tim, dị dạng chi... Nếu chỉ số này cao, bác sĩ sẽ chỉ định cho thai phụ chọc dò nước ối vào tuần thứ 17, tuần thứ 18 của thai kỳ để chẩn đoán bệnh. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, siêu âm đo kích thước của thai nhi để đánh giá sự phát triển của thai cũng như giúp phát hiện một số dị tật khác... Mọi chỉ định thai nghén thường được chỉ định thực hiện trước tuần 26 của thai kỳ, đây là mốc quan trọng trong việc tầm soát dị tật bẩm sinh ở thai nhi như sứt môi, hở hàm ếch, dị dạng ở các cơ quan, nội tạng... được phát hiện qua siêu âm và bác sĩ sẽ tư vấn hướng can thiệp thích hợp nhất.
- Lần khám thai 3 tháng cuối: Giúp xác định ngôi thai, tình trạng khung chậu của mẹ, các bệnh lý liên quan thai nhi, dự kiến nơi sinh cho thai phụ. Các bác sĩ cũng sẽ đánh giá sự phát triển của thai nhi dựa vào kích thước của thai nhi, tình trạng bánh nhau và nước ối.
Như vậy, khám thai đủ và đúng theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa giúp phụ nữ mang thai vượt qua quá trình mang thai an toàn, để mẹ và con đều khỏe mạnh trong và sau thời kỳ thai nghén.
Liên Chi
Ý kiến bạn đọc