Multimedia Đọc Báo in

"Mảnh vườn vàng" ở các trạm y tế

09:00, 15/05/2018

Thời gian gần đây, việc sử dụng kết hợp Đông - Tây y trong khám chữa bệnh luôn được ngành Y tế thị xã Buôn Hồ chú trọng. Tại mỗi trạm y tế xã, phường đều xây dựng một vườn thuốc nam đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế.

Vườn thuốc nam của Trạm Y tế xã Ea Blang được xây dựng ngay gần cổng vào. Tuy diện tích không lớn, nhưng có gần 70 loại cây thuốc thuộc các nhóm thuốc được Bộ Y tế quy định trong sử dụng chữa các bệnh thường gặp. Chị Dương Thị Thanh Nhàn, Trưởng Trạm Y tế xã Ea Blang cho biết, Trạm Y tế xã đã chú trọng quan tâm phát triển vườn cây thuốc nam từ nhiều năm nay, kết hợp với các phương pháp cổ truyền (châm cứu, bấm huyệt…) trong điều trị bệnh cho người dân trong xã. Mỗi tháng có khoảng 300 lượt người đến thăm khám, trong đó tỷ lệ bệnh nhân sử dụng thuốc nam để chữa bệnh đạt trên 35%. Tuy nhiên, việc nhận biết cây thuốc và công dụng để điều trị thì không phải ai cũng biết, vì thế, thông qua hoạt động khám chữa bệnh hằng ngày, các y, bác sĩ đều tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân biết tác dụng của từng loại cây trong phòng bệnh và chữa bệnh, như dùng diếp cá để hạ sốt, lá ổi để chữa tiêu chảy, viêm họng thì dùng hạt lựu, rễ cây chanh hay rễ cây rẻ quạt… Đồng thời, khuyến khích người dân mang cây thuốc nam về nhân giống, trồng tại vườn nhà để tiện sử dụng.

Y sĩ Đông y của Trạm Y tế xã Ea Blang hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại cây thuốc nam.
Y sĩ Đông y của Trạm Y tế xã Ea Blang hướng dẫn người dân cách sử dụng các loại cây thuốc nam.

Là điểm sáng của thị xã trong xây dựng vườn thuốc nam, Trạm Y tế xã Cư Bao có hơn 60 cây thuốc các loại, được chăm sóc cẩn thận. Mỗi loại cây thuốc đều được cắm biển tên và công dụng để thuận tiện cho người dân quan sát và tìm kiếm để xin về nhân giống. Ngoài các loại cây dễ gặp, dễ trồng như: mã đề, mật gấu, keo diệp, rau má, xương khô, cỏ nhọ nồi, gừng, tía tô…, trạm còn sưu tầm được các giống cây dược liệu quý như: đỗ trọng,  hoài sơn, kim ngân hoa, tại bi, mật nhân… Những loại cây thuốc nam này có hiệu quả rất tốt trong việc điều trị các chứng cảm sốt, viêm họng, thanh nhiệt, tiêu viêm, đau nhức cơ, xương khớp… Chị Nguyễn Thị Tươi, một người thường xuyên sử dụng thuốc nam chia sẻ, bệnh đau khớp nhiều năm nay của chị đã phần nào thuyên giảm sau khi sử dụng bài thuốc được y sĩ Đông y của trạm hướng dẫn là dùng cây xương rồng gai, để tươi, róc gai, nướng qua lửa cho ấm rồi đắp vào khớp đau. Nhận thấy hiệu quả, chị đã xin cây thuốc mẫu ở trạm về trồng ở quanh vườn nhà để tiện sử dụng và giới thiệu cho mọi người cùng biết.

Ông Y Biêu Mlô, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thị xã Buôn Hồ cho biết, đến nay 12/12 xã, phường đều có vườn thuốc nam đạt chuẩn theo quy định của Bộ Y tế. Tuy nhiên, công tác phát triển vườn cây thuốc nam còn gặp khó khăn vì một số trạm y tế phường thiếu quỹ đất xây dựng nên chỉ phát triển được vườn thuốc mẫu để hướng dẫn người dân nhận biết loại cây thuốc, tác dụng, cách dùng chứ chưa mở rộng được ở mức trở thành nguồn dược liệu trong điều trị bệnh. Việc sử dụng các bài thuốc nam để chữa các bệnh thông thường có nhiều ưu điểm vì nguồn thuốc dễ tìm, dễ sử dụng, ít tác dụng phụ mà còn ít tốn kém, tránh được hiện tượng kháng thuốc như trong Tây y. Đặc biệt, rất thích hợp cho việc chữa trị bệnh mạn tính cho người già và trẻ nhỏ. Xây dựng vườn thuốc nam mẫu không chỉ góp phần nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh bằng cây thuốc mà còn bảo vệ và duy trì nguồn dược liệu quý. Thời gian tới, các trạm y tế sẽ đẩy mạnh hơn nữa việc nhân rộng mô hình thông qua hình thức tuyên truyền cho bà con cách sử dụng, trồng và chăm sóc các loại cây tại nhà.

Thùy Linh


Ý kiến bạn đọc