Cần nắm vững những kiến thức về làm mẹ an toàn
Làm mẹ an toàn là một trong những nội dung quan trọng của hoạt động chăm sóc sức khỏe sinh sản nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh, giảm tối thiểu tỷ lệ tai biến sản khoa, giảm tình trạng tử vong mẹ và tử vong sơ sinh. Tuy nhiên, hiện nay ở một số vùng sâu, vùng xa, vùng khó tiếp cận các dịch vụ y tế, nhiều phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ lại thiếu những kiến thức này.
Nhà cách trạm y tế chỉ gần 2 km nhưng chị H’Mát Niê ở buôn M’Ghí, xã Yang Mao (huyện Krông Bông) rất ít khi đến trạm y tế xã để khám bệnh. Dù đã có một đứa con nhưng trước đó chị H’Mát hoàn toàn không quan tâm đến việc đi khám và chăm sóc thai kỳ như thế nào để sinh con an toàn, khỏe mạnh. Mãi đến lần tham dự buổi truyền thông lưu động về chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ sơ sinh tại buôn M’Ghí do Trung tâm Y tế huyện Krông Bông tổ chức, chị H’Mát mới tiếp cận những kiến thức về chăm sóc trước, trong khi mang thai, sau khi sinh, chăm sóc trẻ sơ sinh…
Chị H’Nan Niê (cũng ở buôn M’Ghí), thai phụ đang mang thai đứa con thứ hai cũng bộc bạch: “Trước đây, khi mang thai đứa con đầu lòng, do bận rộn với công việc đồng áng nên tôi hầu như không có thời gian đến trạm y tế khám thai định kỳ, cũng không biết chăm sóc, bồi bổ dinh dưỡng như thế nào để sinh con khỏe mạnh. Suốt 9 tháng mang thai, tôi chỉ đến trạm y tế để tiêm ngừa uốn ván và khám thai mỗi một lần. Vì vậy, đứa con đầu sinh ra bị suy dinh dưỡng, chỉ được 2 kg”.
Sản phụ được chăm sóc sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông. |
Theo bác sĩ Phạm Thị Nha (Khoa sản, Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông), trước khi có ý định mang thai, người phụ nữ nên tiêm phòng một số bệnh, như: cúm, rubella vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ, nguy cơ gây dị tật cho thai nhi rất cao; cả hai vợ chồng nên đi kiểm tra sức khỏe toàn diện trước khi mang thai. Trong thời kỳ mang thai, bà mẹ cần chủ động đi khám thai tại cơ sở y tế, ít nhất 3 lần trong 3 tháng đầu, 3 tháng giữa và 3 tháng cuối thai kỳ. Nếu có điều kiện, cần khám thường xuyên mỗi tháng một lần bởi việc khám thường xuyên sẽ giúp phát hiện những bất thường xảy ra trong thời kỳ mang thai, góp phần hạn chế những tai biến sản khoa, đồng thời bác sĩ sẽ hướng dẫn cho sản phụ những vấn đề liên quan đến tình trạng thai sản. Trong thời kỳ cuối của thai kỳ, tốt nhất cần khám theo lịch hẹn của bác sĩ để kịp thời phát hiện những bất thường hoặc dấu hiệu chuyển dạ.
Trong thời kỳ mang thai, thai phụ cần bổ sung viên sắt, can xi hợp lý theo sự hướng dẫn của cán bộ y tế. Chế độ dinh dưỡng cho thai phụ cũng rất quan trọng. Khi mang thai, người phụ nữ cần ăn tất cả thức ăn đa dạng đầy đủ dinh dưỡng và vi chất, trừ một số chất kích thích. Khẩu phần ăn phải tăng cả về số lượng và chất lượng, ưu tiên chọn những thức ăn giàu dinh dưỡng như: thịt, cá, đậu phụ, tôm, cua, rau, quả tươi…; không ăn những thức ăn tái, sống, ôi thiu. Bảo đảm trong quá trình mang thai, sản phụ phải tăng từ 8 - 12 kg. Thai phụ không làm việc quá nặng, không làm việc ở nơi cao chênh vênh, dễ ngã, không ngâm mình dưới nước ngoài môi trường để tránh nhiễm khuẩn đường sinh dục, không làm việc tiếp xúc với hóa chất độc hại; ngủ đủ 8 giờ một ngày, tinh thần thoải mái.
Người dân đến Bệnh viện Đa khoa huyện Krông Bông để được tư vấn sức khỏe sinh sản trước khi sinh con. |
Sau khi sinh, cơ thể phụ nữ trải qua nhiều thay đổi, vì vậy, việc chăm sóc sau sinh rất quan trọng nhằm giúp cơ thể người phụ nữ nhanh chóng trở về bình thường. Từ 1 - 2 ngày sau sinh, sản phụ có thể tắm gội bình thường bằng nước ấm ở nơi kín gió, không nên ngâm mình, giữ vệ sinh tốt âm đạo, đi đứng nhẹ nhàng. Sản phụ nên ngủ đủ giấc, ăn nhiều rau xanh, hoa quả, thực phẩm giàu prôtêin như: thịt, thực phẩm dạng bột, tăng cường thực phẩm giàu chất xơ để chống táo bón, uống nhiều nước để tăng lượng sữa, cần hạn chế dùng các đồ kích thích, như: trà, cà phê, rượu bia… Đồng thời, cần theo dõi sản dịch ra quá nhiều hay quá ít, thường thì sau khi sổ nhau, sản dịch ra nhiều, giảm dần và sẽ hết sau 3 tuần. Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý, khi xảy ra một trong những hiện tượng như: ngất xỉu, ra nhiều máu đỏ tươi kèm máu cục, đau bụng dữ dội, sản dịch hôi… cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị hợp lý.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo, điều quan trọng hơn cả là ngay sau sinh, mẹ cần cho trẻ bú ngay giờ đầu sau sinh bởi phương pháp nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ giúp cho mẹ co hồi tử cung, nhanh chóng hồi phục mà còn giúp trẻ tăng sức đề kháng.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc