Uống nhiều rượu, bia dễ gây xuất huyết tiêu hóa
Xuất huyết tiêu hóa là tình trạng máu chảy ra khỏi lòng mạch vào đường tiêu hóa và được thải ra ngoài bằng cách nôn ra máu, đi tiêu phân đen hoặc đi tiêu máu đỏ. Xuất huyết tiêu hóa nếu không được cấp cứu và can thiệp kịp thời sẽ gây biến chứng thiếu máu nặng, dễ dẫn đến tử vong.
Trung bình một ngày Khoa nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên) tiếp nhận từ 2 - 3 trường hợp bị xuất huyết tiêu hóa; đặc biệt vào các ngày lễ tết, số lượng bệnh nhân nhập viện nhiều hơn. Có nhiều nguyên nhân gây xuất huyết tiêu hóa, nhưng xuất huyết tiêu hóa do xơ gan, viêm loét dạ dày tá tràng chiếm đại đa số. Và các trường hợp này đều xuất phát từ việc người bệnh uống nhiều bia, rượu và sử dụng thuốc không có kê toa của bác sĩ. Bệnh chủ yếu thường gặp ở nam giới.
Ông Bế Văn Long (46 tuổi, ở xã Nam Jong, huyện Cư Jut, tỉnh Đắk Nông) nghiện rượu và mắc bệnh xơ gan 10 năm nay. Vừa qua ông Long bị nôn ra rất nhiều máu. Sau khi ông Long nhập viện cấp cứu và có chỉ định nội soi tiêu hóa, các bác sĩ đã phát hiện trong dạ dày của ông có rất nhiều máu, đồng thời tĩnh mạch thực quản bị giãn, vỡ. Các bác sĩ phải tiến hành đặt bóng chèn ép chỗ vỡ đó lại và ông Long tiếp tục phải theo dõi điều trị. Cũng là người nghiện rượu lâu năm, đây là lần thứ tư ông Trần Văn Lanh (70 tuổi, ở xã Ea Bhốk, huyện Cư Kuin) nhập viện cấp cứu vì xuất huyết tiêu hóa, nôn ra máu sau uống rượu. Sau khi nhập viện, ông được nội soi cấp cứu và phát hiện bị co giãn tĩnh mạch. Bà Phan Thị Lâm (vợ ông Long) kể: “Ngày nào, ông ấy cũng uống trung bình từ 500 - 600ml rượu. Mặc dù biết rất rõ xuất huyết tiêu hóa do uống rượu, nhưng cứ mỗi lần xuất viện về nhà, chỉ được hai ba ngày sau là ổng lại tiếp tục uống rượu”.
Một bệnh nhân bị xuất huyết tiêu hóa được điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên. Ảnh: Q. Nhật |
Theo bác sĩ CKII Phạm Phú Anh, Phó Trưởng khoa nội tổng hợp (Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên), triệu chứng của xuất huyết tiêu hóa rất dễ nhận biết. Tùy thuộc vào từng nguyên nhân, vị trí chảy máu và mức độ mất máu, xuất huyết tiêu hóa thường có dấu hiệu như: Nôn ra máu (đây là triệu chứng thường gặp do chảy máu dạ dày, tá tràng; nếu chảy máu do giãn vỡ tĩnh mạch thực quản thì thường nôn ra máu ồ ạt, máu đỏ tươi, số lượng nhiều, thường nặng và tỷ lệ tử vong cao); đi đại tiện phân đen hoặc có máu thì có thể do giãn, vỡ tĩnh mạch hoặc chảy máu ở đoạn thấp của đường tiêu hóa; các triệu chứng do mất máu: mất máu kéo dài làm ảnh hưởng tới toàn trạng, bệnh nhân thường xanh xao, niêm mạc nhạt, yếu mệt, hoa mắt, chóng mặt; trường hợp mất máu mức độ nặng thường kèm theo triệu chứng sốc: da xanh tái, vã mồ hôi, mạch nhanh, huyết áp hạ, tiểu ít, khó thở hoặc có thể co giật…, một số bệnh nhân khác lại có biểu hiện hoa mắt, chóng mặt, đau đầu…
Xuất huyết tiêu hóa nếu không được phát hiện, cấp cứu và điều trị kịp thời, trường hợp bệnh nhân bị chảy máu nhiều, gây thiếu máu nặng sẽ dẫn đến tử vong. Trường hợp bị loét dạ dày, về lâu dài sẽ gây hẹp môn vị (tức là thức ăn không thể từ dạ dày xuống ruột). Một số trường hợp khác gây biến chứng cấp (thủng) bắt buộc phải can thiệp phẫu thuật thì mới ổn định được ổ loét. Còn xơ gan khiến xuất huyết tiêu hóa gây giãn vỡ tĩnh mạch thực quản, bệnh nhân có thể tử vong rất nhanh.
Để phòng bệnh xuất huyết tiêu hóa, khi sử dụng thuốc giảm đau, kháng sinh hoặc thuốc điều trị cần phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa nhằm tránh xuất huyết do thuốc. Đối với bệnh xơ gan, bệnh này thường do rượu, virus viêm gan B, C gây nên, vì vậy cần chích ngừa viêm gan B, hạn chế rượu bia. Không dùng các thuốc và thức ăn có hại cho dạ dày, nên tăng cường chất xơ và rau, quả. Khi có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh nên đến các cơ sở y tế khám và điều trị kịp thời.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc