Khi dạ dày "không khỏe"
Dạ dày là một cơ quan thuộc ống tiêu hóa của con người và nó làm nhiệm vụ nghiền, tiết ra axít để tiêu hóa thức ăn. Như vậy, có thể coi dạ dày như là một cái rễ hút chất dinh dưỡng để nuôi cả cái cây vậy.
Nếu dạ dày “có vấn đề” thì nó sẽ làm việc một cách rất “sơ sài” khiến thức ăn không được nhào trộn kỹ và chuyển xuống ruột. Khi đó, ruột không thể đảm nhiệm nhiệm vụ nhào trộn thức ăn thay dạ dày được dẫn đến hiện tượng rối loạn tiêu hóa với các bệnh lý như tiêu chảy, đại tràng, ruột kích thích… Khi thức ăn không được tiêu hóa trọn vẹn đồng nghĩa với việc cơ thể chúng ta sẽ không hấp thu được đầy đủ chất dinh dưỡng dẫn đến tất cả các cơ quan, bộ phận trong cơ thể sẽ chịu ảnh hưởng của việc thiếu chất dinh dưỡng: trước hết là tim mạch, sẽ có nguy cơ tụt huyết áp; thần kinh vận động với biểu hiện tay chân bủn rủn, cơ bắp thì thiếu lực, mắt trũng mệt mỏi, da khô, mất ngủ…
Dấu hiệu của dạ dày “không khỏe”
Khi thấy cơ thể có một trong các triệu chứng như sau: ợ chua, ợ nóng, ợ hơi, đau bụng vùng thượng vị với cơn đau râm rẩm hoặc đôi khi đau nhói, đầy bụng, khó tiêu thì chính là biểu hiện của một cái dạ dày đang có vấn đề.
Ảnh minh họa: Internet |
Triệu chứng ợ chua, ợ nóng xuất hiện khi dạ dày chúng ta tiết quá nhiều axít, theo đó sẽ xuất hiện một bệnh lý khác là trào ngược dạ dày (GERD), gây ra viêm họng tái phát nhiều lần, nuốt nghẹn, nặng có thể gây loét thực quản. Axít dạ dày trào ngược lên trên gây tổn thương niêm mạc ở tất cả những nơi nó đi qua, khiến thực quản, thanh quản, họng, thậm chí cả xoang nữa sẽ chịu ảnh hưởng và gây nên các bệnh lý thứ phát như viêm xoang, viêm họng mạn tính, viêm thanh quản, loét thực quản, thậm chí lâu ngày có thể gây ung thư vòm họng.
Triệu chứng đau vùng thượng vị có thể xuất hiện cùng ợ chua, ợ nóng trong những trường hợp: xung huyết hang vị dạ dày, viêm loét dạ dày… và đặc biệt khi mà cơn đau nhói kết hợp nôn ra máu thì phải nghĩ ngay đến việc dạ dày đang bị thủng, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín để kiểm tra và xử lý.
Ung thư dạ dày (K dạ dày) được cho là do vi khuẩn HP gây nên, điều đáng nói là tỷ lệ người Việt Nam bị đau dạ dày (có thể lên tới 70% dân số) và tỷ lệ những người bị đau dạ dày nhiễm HP lại không hề nhỏ.
Nguyên nhân khiến dạ dày “không khỏe”
Mất ngủ: Thường xuyên mất ngủ hoặc thức quá khuya làm cho axít dạ dày tiết không cần thiết là một trong những yếu tố hàng đầu gây đau dạ dày với hội chứng trào ngược điển hình.
Chế độ ăn uống: Thường xuyên bỏ bữa, quá bữa, ăn quá no hoặc để quá đói; hay uống rượu bia, ăn đồ chua, đồ cay, nóng đều là tác nhân gây ra viêm loét dạ dày.
Stress: Quá căng thẳng, lo âu cũng là nguyên nhân chính gây nên các bệnh lý dạ dày.
Khi bị đau dạ dày, không nên tự ý dùng thuốc mà hãy đến các cơ sở y tế uy tín để được khám, điều trị và tuân thủ đúng phác đồ điều trị. Tuy nhiên, cần phòng bệnh hơn chữa bệnh, hãy điều chỉnh lại chế độ sinh hoạt, dinh dưỡng hợp lý, lành mạnh, thường xuyên tập thể dục thể thao để có một cơ thể khỏe mạnh.
Bác sĩ Nguyễn Long Vũ
Ý kiến bạn đọc