Multimedia Đọc Báo in

Không nên chủ quan với bệnh suy nhược thần kinh

09:07, 30/08/2019

Bệnh suy nhược thần kinh (bệnh tâm căn suy nhược) là căn bệnh rất phổ biến trong xã hội hiện đại bởi áp lực từ công việc, học hành, cuộc sống khiến cơ thể dễ rơi vào tình trạng stress, mệt mỏi quá mức, căng thẳng kéo dài.

Vì bệnh không ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng nên rất nhiều người chủ quan với căn bệnh này. Tuy nhiên, nếu không được điều trị kịp thời, suy nhược thần kinh sẽ gián tiếp gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống của người bệnh.

Công việc nhiều áp lực, mệt mỏi nên chị Nguyễn Thị Thùy thường xuyên mất ngủ, đau đầu, mất tập trung.
Công việc nhiều áp lực, mệt mỏi nên chị Nguyễn Thị Thùy thường xuyên mất ngủ, đau đầu, mất tập trung.

Bác sĩ CKI Phạm Ngọc Liễu, Trưởng khoa Lão Khoa (Bệnh viện Y học Cổ truyền tỉnh) cho biết, suy nhược thần kinh là hội chứng bệnh lý thuộc nhóm loạn thần kinh chức năng. Bệnh thường gặp ở lứa tuổi từ 25 - 45 tuổi, nữ giới mắc bệnh nhiều hơn nam giới gấp hai lần. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới chứng suy nhược thần kinh như: Lao động trí óc quá mức, quá mệt mỏi, cuộc sống quá căng thẳng; nơi sống và nơi làm việc có nhiều nhân tố kích thích, tiếng ồn, điều kiện làm việc phức tạp; người bệnh mắc một số bệnh viêm nhiễm mạn tính như viêm xoang, viêm túi mật, viêm loét dạ dày... Ngoài ra nếu nghiện rượu, thiếu ngủ dài ngày, kiệt sức, thiếu dinh dưỡng cũng dẫn tới bị suy nhược thần kinh.

Khi bị suy nhược thần kinh, người bệnh sẽ có biểu hiện dễ bị kích thích, có những hành động bột phát, không kiểm soát được hành vi, nhức đầu, mất ngủ, hoa mắt, chóng mặt, rối loạn nội tạng, khả năng tập trung kém, giảm trí nhớ… khiến cho hiệu quả công việc và chất lượng cuộc sống bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Như trường hợp của chị Nguyễn Thị Thùy (trú xã Hòa Thắng, TP. Buôn Ma Thuột), do áp lực công việc cao nên chị thường xuyên mất ngủ, đau đầu, mệt mỏi và không thể tập trung làm được việc gì, hiệu quả công việc thấp. Do chủ quan, chị cứ để tình trạng bệnh kéo dài trong 3 tháng. Đến khi được người nhà đưa đi bệnh viện, chị đã rơi vào trạng thái rối loạn hành vi, cảm xúc, dễ cáu gắt, bực bội và khó chịu.

“Lúc đó tôi thấy mình không muốn giao lưu với bất cứ ai, dần dần thu mình lại với cuộc sống, với xã hội và dường như bị trầm cảm. Sau khi được các bác sĩ chẩn đoán và điều trị, đến nay sức khỏe tôi đã cải thiện rõ rệt. Tôi không nghĩ bệnh suy nhược thần kinh lại gây ra nhiều hậu quả cho sức khỏe đến vậy”, chị Thùy bộc bạch. Hay như em Trần Văn Hùng (trú phường Thống Nhất, TP. Buôn Ma Thuột) học hành căng thẳng để chuẩn bị cho kỳ thi THPT quốc gia nên thường xuyên mất ngủ, ngủ không sâu giấc, dễ thức giấc. Ngoài mất ngủ, em còn phải chịu đựng các cơn đau đầu từ nhẹ đến nặng, kéo dài, âm ỉ rất khó chịu gây suy giảm trí nhớ và mất khả năng tập trung trong học tập. Có lúc em nghĩ mình không đủ sức tham dự kỳ thi, chỉ muốn bỏ cuộc. May mắn em được ba mẹ đưa đi khám và điều trị kịp thời nên mới có thể hoàn thành tốt bài thi.

 

Cuộc sống phát triển, con người có nhiều thứ phải lo toan dẫn đến căng thẳng thần kinh, mệt mỏi, lo âu, trầm cảm… Do đó, để phòng tránh bệnh suy nhược thần kinh, mỗi người nên xây dựng cho mình lối sống lành mạnh, tránh căng thẳng, có chế độ làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống và tập thể dục, thể thao hợp lý”.

 

 
Bác sĩ Phạm Ngọc Liễu

Theo bác sĩ Liễu, bệnh nhân bị suy nhược thần kinh cần được hướng dẫn thay đổi lối sống, duy trì nếp sinh hoạt hợp lý. Liệu pháp tâm lý được ưu tiên lựa chọn trong điều trị suy nhược thần kinh. Người bệnh nên tâm sự với chuyên gia tâm lý về những lo âu, stress mà mình đang gặp phải để các bác sĩ chẩn đoán và có biện pháp điều trị.

Trong quá trình điều trị có thể sử dụng ám thị, hướng dẫn người bệnh tập khí công dưỡng sinh, yoga, thiền… để lưu thông khí huyết, tăng cường máu lên não, kiểm soát cảm xúc và cân bằng lại tâm lý. Bên cạnh đó, cần có chế độ sinh hoạt, ăn uống hợp lý, bảo đảm ngủ đủ 8 giờ/ngày, hạn chế vận động, làm việc căng thẳng trước khi ngủ. Giảm thời gian làm việc, dành nhiều thời gian cho các hoạt động vui chơi giải trí, gặp gỡ bạn bè, người thân…

Để người mắc bệnh suy nhược thần kinh nhanh chóng hồi phục, gia đình, người thân là những nhân tố quan trọng. Cần phối hợp nhiều phương pháp điều trị để mang lại hiệu quả cao, kết hợp dùng thuốc với các hoạt động thư giãn tinh thần, hạn chế stress và các sang chấn tâm lý. Gia đình nên an ủi, động viên, tâm sự với người bệnh để người bệnh giải tỏa những lo lắng, suy nghĩ tiêu cực, lấy lại tinh thần và cảm xúc.

Phương Nhiên


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.