Sản phụ tránh bị trầm cảm sau sinh: Cần sự quan tâm, chia sẻ của gia đình và xã hội
Trải qua thời gian mang thai và sinh con vất vả, việc đối mặt với sự thay đổi trong sinh hoạt đời thường khiến nhiều sản phụ luôn lo lắng, suy nghĩ dẫn đến buồn bực, khó chịu ảnh hưởng đến tinh thần, thể chất.
Và nếu không được sự cảm thông, chia sẻ, giúp đỡ của người thân, gia đình, sản phụ rất dễ mắc bệnh trầm cảm sau sinh dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường. Điều đáng nói, hiện nay số lượng bệnh nhân mắc trầm cảm sau sinh đang ngày một gia tăng.
Chị N.M.A (trú phường Tân Tiến, TP. Buôn Ma Thuột) lấy chồng và có con đầu lòng khi chị 19 tuổi. Thời gian mang thai, chị rất vui mừng, cảm thấy mọi thứ đều ổn. Tuy nhiên, đến gần ngày sinh con và sau khi sinh, chị luôn cảm thấy buồn phiền, chán nản, mệt mỏi vì cuộc sống bị xáo trộn. Thường xuyên phải thức đêm chăm con, tự dằn vặt vì không có nhiều sữa cho con bú, thêm vào đó bé bị vàng da, hay quấy khóc khiến chị A. bị kiệt sức. Nhiều lần chị tâm sự với chồng nhưng anh không hiểu những vấn đề mà chị gặp phải. Không nhận được sự chia sẻ của chồng, dần dần chị thu mình lại, một mình chịu đựng, xa cách với mọi người.
“Thú thật, không ít lần tôi đổ lỗi tất cả những mệt mỏi mà tôi gặp phải là do con. Rất may thời điểm đó có mẹ tôi lên phụ chăm cháu, hai mẹ con trò chuyện, chia sẻ, tôi dần trút được những bực bội, chán nản. Chồng tôi cũng dần hiểu chuyện, thông cảm và giúp vợ nên rất may tôi không gây ra hậu quả gì”, chị N.M.A tâm sự.
Phụ nữ bị trầm cảm sau sinh, điều cần nhất là sự quan tâm, chia sẻ của gia đình. |
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Luyến, Trưởng Khoa Nữ cấp và bán cấp Bệnh viện Tâm thần tỉnh, trầm cảm sau sinh là bệnh trầm cảm nặng. Người phụ nữ từ khi mang thai đến khi sinh con có sự thay đổi về nội tiết tố, đồng thời có sự thay đổi cả thể chất, có thể thay đổi cả công việc làm, nếp sinh hoạt, có thể chưa chuẩn bị kiến thức và kinh nghiệm chăm sóc con, thiếu sự quan tâm, chia sẻ của người thân mà đặc biệt là người chồng… Đó là các yếu tố để khởi phát bệnh trầm cảm sau sinh.
Đối với bệnh nhân bị trầm cảm, quan trọng nhất là được phát hiện sớm, điều trị tích cực cùng với sự chia sẻ, thông cảm của gia đình, người thân. Thuốc điều trị chỉ mang tính hỗ trợ. Vì vậy, khi gia đình phát hiện sản phụ có những dấu hiệu như: ngủ ít, hay buồn rầu, ủ rũ, mất hứng thú, vô vọng, cảm thấy không muốn gắn kết hoặc không muốn chăm sóc con thì đó có thể là biểu hiện sản phụ bị trầm cảm. Các triệu chứng này xuất hiện bất cứ thời gian nào sau sinh nhưng hay gặp nhất là ba tuần đầu.
Khi gặp trường hợp sản phụ sau sinh có biểu hiện trầm cảm, người thân trong gia đình nên có thái độ cư xử nhẹ nhàng, phù hợp với người bệnh, sớm đưa người bệnh đến các chuyên khoa tâm lý - thần kinh để được khám và điều trị kịp thời. |
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng đó là sự thay đổi tính tình đơn thuần hay sự đòi hỏi quá mức của người phụ nữ sau sinh nên người thân không đáp ứng, chia sẻ mà không biết rằng người phụ nữ đó đã mắc bệnh trầm cảm sau sinh. Không nhận được sự quan tâm chia sẻ, không điều trị kịp thời dần dần sẽ khiến người mẹ cảm thấy cuộc sống không còn hứng thú, nhìn về tương lai thấy tối tăm, ảm đạm và dẫn tới nhiều hậu quả hết sức nguy hiểm như tự tử, rối loạn tâm thần, tự sát hại con...
Chỉ tính từ đầu năm 2019 đến nay, Bệnh viện Tâm thần tỉnh đã tiếp nhận và điều trị cho hơn 10 trường hợp bệnh nhân bị trầm cảm sau sinh. Do thiếu sự quan tâm từ gia đình, người thân nên có không ít trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng rất nặng. Điển hình như bệnh nhân N.T.H bị trầm cảm sau sinh nhưng gia đình không ai biết. Đến khi bệnh nhân cắt cổ tay tự tử, nằm ngất ngoài bờ ao một đêm, tới rạng sáng tỉnh dậy bò vào nhà kêu cứu, gia đình đưa đi cấp cứu thì mới phát hiện bệnh nhân mắc bệnh và đưa vào Bệnh viện Tâm thần điều trị trầm cảm sau sinh.
Hoặc như trường hợp bệnh nhân T.H.B (trú huyện Krông Bông) tự tử bằng cách uống dung dịch axit pha loãng từ bình ắc quy đánh cá của chồng. Rất may bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời. Đau lòng hơn là trường hợp bệnh nhân H’Ph. (trú huyện Ea H’leo) bị trầm cảm sau sinh được gia đình đưa vào bệnh viện điều trị. Sau khi điều trị được 15 ngày, tình hình sức khỏe bệnh nhân đang dần đi vào ổn định thì người nhà một mực đòi xuất viện đưa bệnh nhân về. Mặc dù các bác sĩ đã hết lời khuyên nhủ, mong muốn người nhà để bệnh nhân ở lại điều trị thêm một thời gian để chị hoàn toàn khỏe mạnh nhưng người nhà không chịu. Trước sự cương quyết của người nhà bệnh nhân, các bác sĩ đành dặn theo dõi và cho bệnh nhân uống thuốc đúng giờ. Thế nhưng khi về nhà, bệnh nhân tự ngừng thuốc. Hậu quả sau đó chị đã giết hại chính con mình.
“Đó quả thật là một nỗi đau vô cùng lớn đối với đội ngũ bác sĩ chúng tôi. Thế nên đối với người mắc bệnh trầm cảm sau sinh, quan trọng nhất là sự quan tâm, chia sẻ, thông cảm của người thân, gia đình và xã hội. Mọi người hãy cùng quan tâm, đừng để sản phụ phải cô đơn chống chọi với căn bệnh này một mình, hậu quả sẽ vô cùng khủng khiếp”, bác sĩ Luyến chia sẻ.
Để phòng tránh bệnh trầm cảm sau sinh, tốt nhất sản phụ nên chuẩn bị tốt những kiến thức về làm mẹ và những điều kiện kinh tế sẵn sàng cho việc tiếp nhận thành viên mới trong gia đình. Bên cạnh đó, các thành viên trong gia đình cần phải trợ giúp sản phụ trong việc chăm sóc trẻ để người mẹ có thời gian nghỉ ngơi, hồi phục sức khỏe sau khi sinh; chia sẻ, giải quyết những vấn đề về tâm lý gặp phải với người mẹ. Sản phụ cần có chế độ ăn đủ chất dinh dưỡng, không được kiêng khem quá mức dẫn đến thiếu chất dinh dưỡng cho mẹ và con; ngủ đủ giấc để đảm bảo sức khỏe...
Phương Nhiên
Ý kiến bạn đọc