Không chủ quan với bệnh cúm mùa
Khi thời tiết chuyển sang mùa đông xuân, bệnh cúm thường xảy ra và có thể gây thành dịch lây lan trong cộng đồng, nhất là những nơi tập trung đông người, như: trường học, công sở, chợ, bệnh viện, văn phòng, sân bay, bến xe, bến tàu, đám cưới, đám tang…
Nếu không điều trị, lâu ngày bệnh cúm có thể gây nhiều biến chứng nguy hiểm, nhất là đối với trẻ em, người già và người suy giảm miễn dịch.
Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm thuộc đường hô hấp, nhất là đường hô hấp trên, như: mũi, họng hầu, thanh quản. Vi rút làm tổn thương niêm mạc của miệng, mũi, họng hầu, thanh quản và có thể lan xuống đường hô hấp dưới: khí quản, phế quản, tiểu phế quản… Bệnh cúm thường có triệu chứng là hắt hơi, sổ mũi, nghẹt mũi, đau đầu…; nặng hơn có thêm triệu chứng ho, ho có đờm, đau họng… Với những triệu chứng nhẹ như vậy nên nhiều người để bệnh tự khỏi mà không cần điều trị. Thực chất, bệnh cúm có nhiều loại, có loại lành tính nhưng cũng có rất nhiều loại nguy hiểm, như: vi rút cúm H1N1, vi rút cúm H5N1…
Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh cúm hiệu quả nhất. |
Theo các bác sĩ chuyên khoa, dù cúm do vi rút nào nhưng nếu chủ quan không điều trị hoặc điều trị quá muộn sẽ khiến bệnh cúm chuyển nặng, gây biến chứng nguy hiểm dẫn đến viêm phổi, suy hô hấp. Biến chứng viêm phổi thường xảy ra ở trẻ em, người già trên 65 tuổi, người mắc bệnh mạn tính, như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, hen phế quản, bệnh tim bẩm sinh, suy tim, bệnh mạch vành, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch…Ngoài ra, việc không điều trị bệnh cúm hoặc điều trị muộn sẽ là khởi nguồn cho các bệnh: viêm tai giữa, viêm xoang… Đối với phụ nữ mang thai có thể gây biến chứng ở phổi hoặc sẩy thai. Nếu mắc cúm trong 3 tháng đầu có thể gây ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là bệnh lý về hệ thần kinh trung ương.
Các bác sĩ chuyên khoa khuyến cáo, cách phòng ngừa bệnh cúm tốt nhất là tiêm vắc xin. Vắc xin ngừa cúm có thể sử dụng cho trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên. |
Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn có thói quen không tốt cho sức khỏe, hay lạm dụng các thuốc kháng sinh khi có triệu chứng của bệnh cúm, như: ho, sổ mũi, giọng khàn… trong khi bệnh cúm, nếu là do siêu vi thì không cần phải dùng kháng sinh mà chỉ cần dùng thuốc làm giảm triệu chứng và tăng cường bổ sung các loại thực phẩm chứa nhiều vitamin C làm tăng sức đề kháng. Kháng sinh chỉ cần thiết khi cúm có biểu hiện bội nhiễm, tức là bị nhiễm vi trùng. Việc sử dụng kháng sinh phải tuân theo chỉ định và dùng theo đơn của bác sĩ, nếu tự ý dùng hoặc dùng không đủ liều sẽ dẫn đến lờn thuốc và sẽ rất khó chữa cho những lần bội nhiễm sau. Cũng có nhiều trường hợp khi điều trị cúm, mới uống thuốc được 1 - 2 lần thấy các triệu chứng giảm bớt thì tự ý ngưng uống thuốc, trong khi một đợt bệnh kéo dài ít nhất 3 ngày cần uống thuốc đầy đủ để trị cúm dứt điểm.
Việc tiêm ngừa vắc xin phòng bệnh cúm sẽ phòng tránh được những biến chứng nguy hiểm từ bệnh cúm, giảm nguy cơ mắc bệnh và nguy cơ tiến triển bệnh nặng ở những người có nguy cơ cao, như: trẻ em, người già, người mắc bệnh tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, tim mạch, bệnh phổi mạn tính, ung thư… Ngoài ra, có thể phòng ngừa bệnh bằng cách mặc ấm khi thời tiết lạnh, hạn chế tiếp xúc với nguồn bệnh, rửa tay bằng xà phòng thường xuyên (nhất là sau khi đi vệ sinh, hắt hơi, xì mũi), vệ sinh môi trường sạch sẽ, thoáng mát. Tăng cường sức khỏe bằng cách ăn uống hợp lý, đủ dinh dưỡng, thường xuyên luyện tập thể dục thể thao… Khi có dấu hiệu bị cúm nặng, cần phải đến cơ sở y tế khám, điều trị nhằm tránh lây nhiễm cho người khác.
Mỹ Hạnh
Ý kiến bạn đọc